Có gì nghịch lý giữa tăng lương và tham nhũng ở Indonesia?

06:03' - 02/02/2019
BNEWS Trang mạng The ASEAN Post mới đây đăng tải bài viết với tựa đề “Tăng lương, tăng phụ cấp có thể ngăn chặn nạn tham nhũng ở Indonesia?”.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: AFP/TTXVN 

Tác giả bài viết đã chứng minh mối liên hệ giữa hai sự việc này và đưa ra khuyến nghị với Chính phủ Indonesia về việc áp dụng các chính sách ngăn chặn tham nhũng tại quốc gia này. 

Cảnh sát quốc gia Indonesia gần đây tuyên bố sẽ tăng 70% phụ cấp cho các sĩ quan cảnh sát. Theo Tư lệnh cảnh sát quốc gia Indonesia, Tướng Tito Karnavian, các khoản phụ cấp sẽ được áp dụng hồi tố và sẽ được chi trả ngay trong tháng 1/2019.

Ông Tito tin tưởng rằng việc tăng phụ cấp cho lực lượng cảnh sát nước này sẽ không chỉ thúc đẩy hiệu suất làm việc của lực lượng cảnh sát mà còn có thể giúp Indonesia cải cách thể chế và giảm tình trạng tham nhũng hiện nay tại quốc gia này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati, cũng cho biết, Bộ này  đang cân nhắc tăng lương cho các quan chức địa phương, sau khi nhiều quan chức địa phương bị Cơ quan điều tra tham nhũng Indonesia (KPK) bắt giữ do các cáo buộc liên quan đến tham nhũng.

Theo số liệu thống kê của KPK, tính đến tháng 10/2018 đã có 25 quan chức khu vực thuộc các địa phương của Indonesia bị bắt giữ do có liên quan đến hành vi tham nhũng trước đó.

“Chúng tôi đang thử nghiệm và chúng tôi cũng sẽ truyền đạt ý tưởng này tới Tổng thống Joko Widodo. Tổng thống Widodo là người rất quan tâm tới các chế độ, chính sách của công chức”, bà Sri Mulyani Indrawati cho biết.

Hai tuyên bố trên đã khiến nhiều nhà quan sát đặt ra câu hỏi liệu tăng lương, tăng phụ cấp có giúp Indonesia triệt tiêu có hiệu quả tình trạng tham nhũng của giới công chức hiện nay hay không.

Theo bảng xếp loại, đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2017 về chỉ số nhận thức tham nhũng tại các quốc gia trên thế giới, nếu chấm theo thang điểm 100, Indonesia là quốc gia xếp thứ 96/tổng số 180 quốc gia với 37 điểm.

Số liệu thực tế cho thấy, số vụ án có liên quan đến tham nhũng được KPK điều tra đã tăng đều đặn từ năm 2008 đến năm 2017. Trong năm 2017, có 118 vụ án bị khởi tố, điều tra, tăng hơn nhiều so con số 47 vụ án của năm 2008. 

Còn theo số liệu của Cảnh sát quốc gia Indonesia, hiện lực lượng này đang điều tra 1.028 vụ án liên quan đến tham nhũng trong khi Văn phòng Tổng chưởng lý đang điều tra 1.552 vụ.

Theo thống kê của KPK, công chức chiếm số lượng lớn nhất trong số những người bị điều tra về tham nhũng trong giai đoạn 2004-2018, chiếm 26% tổng số các vụ án có liên quan đến tham nhũng. 

Cũng theo kết quả thăm dò dư luận năm 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, hơn 50% trong tổng số 1.000 người được hỏi tại 31 tỉnh thành cả nước cho biết họ coi công chức là những đối tượng tham nhũng nhiều nhất.

Khi bình luận về vấn đề tham nhũng của Indonesia và trả lời câu hỏi liệu trả lương cho công chức nhiều hơn có giúp kiềm chế được tình trạng tham nhũng ở quốc gia này, ông Dadang Trisasongko, người đứng đầu Tổ chức Minh bạch Quốc tế chi nhánh tại Indonesia, cho rằng việc tăng lương, tăng phụ cấp có thể chỉ giúp giảm tình trạng tham nhũng vặt ở một bộ phận công chức. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ không có tác dụng đối với tình trạng tham nhũng lớn.

Theo ông Dadang Trisasongko, qua các vụ án tham nhũng liên quan đến lực lượng cảnh sát, có thể thấy giá trị tiền bạc bị chiếm đoạt là rất lớn. 

Điều này cho thấy việc tăng lương hoặc tăng phụ cấp cho họ chưa đủ sức mạnh phát huy tác dụng ngăn chặn hành vi tham nhũng vì số tiền họ có thể chiếm đoạt lớn hơn nhiều lần số tiền họ được hưởng trong chế độ lương, phụ cấp. 

Sự giám sát chặt chẽ và được tiến hành thường xuyên liên tục, kết hợp với việc tăng cường tuyên truyền giáo dục đối với công chức, những người có vị trí, có cơ hội tham nhũng sẽ góp phần làm giảm bớt tình trạng tham nhũng hiện nay.

Khi bàn về mối tương quan giữa việc tăng lương và giảm tham nhũng, hai ví dụ dưới đây sẽ cung cấp cho chúng ta cái nhìn rõ nét hơn.

Trước tiên là ví dụ về một cuộc thử nghiệm được các nhà nghiên cứu Mỹ tiến hành. Cuộc thử nghiệm được tiến hành trên đường cao tốc đối với các cảnh sát giao thông Mỹ khi xử lý các lỗi vi phạm giao thông của lái xe. 

Kết quả cho thấy, sau khi nhận được mức lương cao hơn, cảnh sát giao thông Mỹ không chỉ mất nhiều thời gian hơn để xử lý đúng quy trình các lỗi vi phạm giao thông, mà họ còn giảm thu nhập đáng kể mặc dù đã được tăng lương.

Ví dụ thứ hai là một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Ting Gong của Hong Kong. Sau thời gian khảo sát và nghiên cứu về dịch vụ dân sự ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu này đã đưa ra kết luận, hiệu quả của việc tăng lương công vụ đối với việc ngăn chặn tham nhũng là không có nhiều tác dụng. 

Do vậy, nếu tăng lương, tăng chế độ cho công chức để chống tham nhũng là việc làm không khả thi vì hai việc này hầu như không liên quan với nhau.

Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu này cũng lưu ý rằng, mức thù lao công vụ thấp, đặc biệt là ở các quốc gia kém phát triển luôn là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng tham nhũng vì chúng triệt tiêu sự khuyến khích lao động của nhân viên. 

Trong khi nếu nhận mức lương cao hơn, công chức sẽ làm việc nhiều hơn, nhiệt tình hơn và quan trọng hơn cả là họ sẽ sợ mất việc làm, mất nguồn thu nhập chính khi bị phát hiện có hành vi tham nhũng.

Tóm lại, mối quan hệ giữa việc chi trả lương, phụ cấp và tham nhũng cần được giải quyết một cách thận trọng. Như hai nghiên cứu trên đã chỉ ra, việc tăng lương, tăng phụ cấp rất khó có khả năng ngăn chặn hành vi tham nhũng. 

Do vậy, tác giả khuyến nghị Chính phủ Indonesia có cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết triệt để vấn đề này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục