Cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận xu hướng mới về thương mại điện tử

20:03' - 23/06/2022
BNEWS Ngày 23/6, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức hội thảo “Ứng dụng thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19”.

Ngày 23/6, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức hội thảo “Ứng dụng thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19”, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Đây cũng là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có điều kiện cập nhật những xu hướng mới về thương mại điện tử, tiếp cận, kết nối với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử trong cả nước.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, những năm gần đây, Đồng Tháp đặc biệt quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh; chú trọng việc đưa các sản phẩm kinh doanh lên sàn thương mại điện tử. Hiện đã có hơn 300 sản phẩm đặc sản của tỉnh có mặt trên các sàn thương mại điện tử uy tín.

Hội thảo nhằm cung cấp đến các đơn vị, địa phương, nhất là các nhà sản xuất, kinh doanh về xu hướng thương mại điện tử sau đại dịch COVID-19; các giải pháp công nghệ mới và những ý tưởng kinh doanh nổi bật, để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch. Qua đó, các đơn vị vận dụng thương mại điện tử để kinh doanh trong thời đại kinh tế số, quảng bá, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp thông tin về xu hướng thị trường thương mại điện tử sau đại dịch COVID-19; đồng thời giới thiệu mô hình bán lẻ đa kênh Omni-channel, mô hình Social Commerce (bán hàng qua mạng xã hội) và Dropshipping (mô hình kinh doanh cho phép cửa hàng trực tuyến vận hành mà không cần lưu trữ tồn kho, sở hữu sản phẩm và vận chuyển sản phẩm đến khách hàng); mô hình bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tồng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, với sự phát triển của thương mại điện tử trong thời gian qua đã giúp gia tăng số lượng cả người tiêu dùng trực tuyến lẫn các thương nhân tham gia chuyển đổi số. Người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao. Đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến. Các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số để hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới “ sạu đợt dịch COVID-19.

Theo ông Đức, qua khảo sát 70% doanh nghiệp cho biết, thị trường tốt lên sau dịch bằng việc tiến hành chuyển đổi số, sử dụng các kênh trực tuyến để tương tác với khách hàng và bán sản phẩm. kết quả khảo sát có sự tăng trưởng khách hàng so với năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng trên 6%, thậm chí có thương nhân tăng trưởng khách hàng đến 100%...

Đại diện Haravan - công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp bán lẻ Omnichannel, ông Nguyễn Mạnh Tuấn đã giới thiệu mô hình bán lẻ đa kênh Omni-channel, qua sàn thương mại diện tử , người tiêu dùng đang hạn chế mua sắm tại cửa hàng mà chuyển lên trực tuyến cho các nhu cầu mua sắm khác nhau. Haravan chuyển đổi mô hình bán lẽ truyền thống thành bán lẻ đa kênh offline và online.

Mô hình khai thác mạng lưới điểm bán để vận hàng hàng và giao hàng online nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí giao hàng. Sàn thương mại diện tử giúp xây dựng thương hiệu bán hàng ấn tượng; thông báo tình trạng đơn hàng cho người mua qua các kênh như email, messenger, sms giúp gia tăng tỉ lệ giao hàng thành công…Xây dựng website thương mại điện tử chuyên nghiệp là cầu nối giữa nhà bán lẻ và khách hàng, giúp người mua hàng dùng website thương hiệu để tìm kiếm sản phẩm cần mua. Khách hàng lựa chọn thương hiệu có website chuyên nghiệp sẽ giúp họ an tâm hơn khi đặt mua hàng và thanh toán…

Theo các chuyên gia, thương mại điện tử được khẳng định là xu hướng tất yếu trong thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn chung và lớn nhất hiện nay đó là thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, chuyên môn về thương mại điện tử; người nông dân ngại bán lẻ qua các sàn, chi phí vận chuyển ….

Cũng tại hội thảo, một số giải pháp đã được đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân Đồng Tháp tiếp cận và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, ưu đãi về chi phí vận chuyển, tập huấn nhân lực cũng được các đơn vị thông tin tại hội thảo. Thực thi việc hỗ trợ này, ngay sau hội thảo là buổi tập huấn, hướng dẫn thực hành về thương mại điện tử.

Để giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực thương mại điện tử, Sở Công Thương đã ký kết thỏa thuận với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp. Công ty Nam Huy Đồng Tháp, Công ty TNHH Nông sản và Du lịch Thiên Phú, Công ty Droppii, Công ty Nông trại 123 ký kết tiêu thụ Xoài Cao Lãnh và nông sản chế biến; Công ty Haravan và Hiệp hội ngành hàng Sen ký kết hỗ trợ nền tảng thương mại điênh tử và chuyển đổi số./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục