Cơ hội đưa hàng thời trang, nội thất và đồ gia dụng Việt Nam vào hệ thống phân phối quốc tế

19:24' - 06/06/2024
BNEWS Để tận dụng cơ hội đó đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường hiệu quả.

Nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may, đồ gỗ và hàng gia dụng có tín hiệu tích cực, để tận dụng cơ hội đó đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường hiệu quả.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo thúc đẩy đà phục hồi xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm – Cơ hội đưa hàng thời trang, nội thất và đồ gia dụng Việt Nam vào hệ thống phân phối quốc tế”.

Sự kiện do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức chiều 6/6 tại Tp. Hồ Chí Minh.

 

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, về tổng thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng thời trang, nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng đầy ấn tượng trong những năm qua. Nhóm ngành hàng này đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường quốc tế, tạo dựng vị thế vững chắc và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng hiện đại toàn cầu.

Mặc dù gặp khó khăn chưa từng có tiền lệ trong giai đoạn hậu COVID-19 khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, tuy nhiên từ đầu năm 2024, nhóm ngành hàng này đã đón nhận sự khởi đầu khá tích cực. Nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm dần phục hồi báo hiệu triển vọng khả quan cho hàng thời trang, nội thất và gia dụng trong thời gian tới.

Tuy nhiên theo ông Tạ Hoàng Linh, nhiều hạn chế nội tại và những quy định ngày càng khắt khe từ thị trường xuất khẩu đang đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, khách hàng, đối tác yêu cầu ngày càng cao liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn. 

Để duy trì đà tăng trưởng ổn định và tìm kiếm các cơ hội xâm nhập sâu hơn, đa dạng hơn vào các hệ thống phân phối lớn toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam không thể đi ngược xu hướng kinh tế xanh, bền vững.

Bên cạnh đó, với đặc thù ngành hàng thời trang, nội thất, đồ gia dụng đòi hỏi phải liên tục thay đổi mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, doanh nghiệp cần chủ động, có chiến lược rõ ràng trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. 

Theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, hiện nay nhóm ngành thời trang, nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn có nhiều lợi thế xuất khẩu, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật, khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường, nhất là các ưu đãi thuế quan của từng thị trường.

Thế nhưng, hạn chế về tài chính và nhân lực khiến việc cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với các thương hiệu lớn của các nước trên thế giới trở nên khó khăn. Việc xây dựng và duy trì thương hiệu đòi hỏi nhiều chi phí và thời gian đầu tư, điều mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực.Trong khi đó, thị trường xuất khẩu thế giới đang thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng được môi trường sản xuất và cung ứng xanh hơn, tuân thủ tiêu chuẩn về bền vững đối với các sản phẩm công nghiệp.

"Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp thời trang, nội thất, gia dụng cần định hình lại quy trình sản xuất, chủ động đầu tư, áp dụng chuyển đổi số và sáng tạo công nghệ vào sản xuất và quản lý nhằm tối ưu hoá cả chất lượng và chi phí. Doanh nghiệp cũng cần hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng để đảm bảo rằng nguyên liệu và sản phẩm được sản xuất và vận chuyển một cách bền vững và hiệu quả.

 Để thích ứng với diễn biến nhanh chóng của thị trường, mỗi doanh nghiệp cần có phương án sản xuất, điều hành linh hoạt; bám sát thông tin, đối tác để kịp thời chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu của thị trường, nhất là các thị trường mới tiềm năng.", ông Trần Phú Lữ khuyến nghị.

Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, mục tiêu xuất khẩu của dệt may Việt Nam năm 2024 là 44 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023. Nhìn tổng quan thị trường và năng lực sản xuất, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều lợi thế phát triển trong 10 – 15 năm nữa.

Tuy nhiên, áp lực lớn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay chính là chuyển đổi sang sản xuất xanh. Các đối tác hiện đã yêu cầu các nhà máy phải sử dụng năng lượng sạch, có cam kết lộ trình và hành động cụ thể cho chuyển đổi sản xuất bền vững chứ không còn là khuyến nghị.

Theo ông Trần Như Tùng, cạnh tranh trong ngành dệt may là rất lớn, để phát triển đường dài, doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung tạo nên những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần đầu tư máy móc thiết bị để tăng năng suất, chất lượng; đa dạng hoá sản phẩm và đa dạng hoá thị trường.

Đối ngành gỗ và nội thất, bà Dương Thị Minh Tuệ, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đang phục hồi tích cực, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn đặt hàng sản xuất đến cuối năm. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của sản phẩm gỗ, nội thất của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada tăng trưởng đều; đặc biệt thị trường Ấn Độ có mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn 106% so với cùng kỳ năm trước.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhiều khách hàng, thị trường mới tiề năng, ngành gỗ đã và đang tập trung tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quy mô lớn, giúp doanh nghiệp quảng bá năng lực sản xuất, thương hiệu đến người mua hàng quốc tế.

Song song đó, hiệp hội cũng khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành lớn trên thế giới để nắm bắt nhu cầu, xu hướng tiêu dùng và chiến lược phát triển sản phẩm hiệu quả.”, bà Dương Thị Minh Tuệ nêu giải pháp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục