Cơ hội nào cho khởi nghiệp trong thời đại kỹ thuật số?

21:59' - 16/10/2020
BNEWS Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, nhận định, thế giới sau đại dịch COVID-19 sẽ không còn là thế giới của ngày hôm qua.

Chiều ngày 16/10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020 với chủ đề “Khởi nghiệp ASEAN: Cơ hội mới trong thời đại kỹ thuật số”.

Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia kinh tế, đại diện một số bộ ngành, các doanh nghiệp.

Khai mạc diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, nhận định, thế giới sau đại dịch COVID-19 sẽ không còn là thế giới của ngày hôm qua.

Ở thế giới mới, phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm phải được thượng tôn. Khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp phải là tâm thế của mọi doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp mới và doanh nghiệp đã, đang hoạt động.

Việc tổ chức diễn đàn lần này nhằm mục đích hướng tới hình thành mạng lưới khởi nghiệp ASEAN, khát vọng xây dựng ASEAN trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của châu Á và thế giới. Cộng đồng ASEAN đã có nhiều thực tiễn, kinh nghiệm tốt trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

“Giờ là lúc ngồi lại cùng nhau để chia sẻ kinh nghiệm, lan toả, tích hợp và nhân lên tạo hệ sinh thái khởi nghiệp của ASEAN, một thương hiệu ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo”, ông Lộc nhấn mạnh.

Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN đầu tiên năm 2020 sẽ mang thông điệp “Startup ASEAN” - ASEAN đứng lên, ASEAN khởi nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc bày tỏ diễn đàn sẽ chia sẻ về phát triển minh bạch và bền vững, chia sẻ các thực tiễn tốt, đồng thời chia sẻ các nền tảng chuyển đổi số; trong đó, chuyển đổi số không phải là việc của riêng các doanh nghiệp lớn mà là việc của tất cả các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng tại diễn đàn, bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú UNDP Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp khởi nghiệp ASEAN đối với phát triển đồng đều và bền vững. Châu Á là nơi sinh sống của hơn 60% thanh niên trên thế giới, khoảng 700 triệu người trẻ và đây cũng là nơi có số lượng người thất nghiệp cao nhất thế giới.

“Khu vực này là một trong những khu vực có tỷ lệ khởi nghiệp trẻ cao nhất trên toàn cầu và 40% trong số các công ty khởi nghiệp này đang tạo ra việc làm. Ở các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 70% số việc làm trong khu vực tư nhân”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, để khởi nghiệp trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế, cần phải cân nhắc khả năng thiết lập và vận hành một nền tảng trực tuyến kỹ thuật số có tính tương tác cao để kết nối các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia của 10 nền kinh tế thành viên ASEAN.

Qua đó, thúc đẩy quan hệ hợp tác, chia sẻ thông tin trực tuyến và kết nối đối tác giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp ASEAN. Mặt khác, cần cân nhắc khả năng huy động nguồn lực để hình thành một loại hình Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc Chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các nền kinh tế thành viên ASEAN.

Ngoài ra, tổ chức các chương trình tăng tốc đào tạo, huấn luyện kỹ năng khởi nghiệp dành cho các nhóm khởi nghiệp sáng tạo của các nền kinh tế thành viên ASEAN. Đặc biệt, định kỳ tổ chức các sự kiện như ngày hội kết nối cộng đồng khởi nghiệp ASEAN, có thể tổ chức luân phiên tại từng quốc gia, để tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, trình diễn sản phẩm, dịch vụ và kết nối khởi nghiệp với các nhà đầu tư…./.

>>Nét sáng trên "bức tranh" khởi nghiệp tại Nhật Bản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục