Cơ hội tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp từ chuyển đổi số

05:06' - 01/09/2020
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Chương trình chuyển đổi số ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Đây được xem là nơi có nền tảng, nguồn lực mạnh mẽ để thực hiện Chương trình, với hơn 50% doanh nghiệp công nghệ thông tin của cả nước.

Tuy nhiên, chuyển đổi số là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về thời gian, tiền bạc và trí tuệ của cả chính quyền và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp năng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới.

Từ thực tiễn phòng, chống dịch

Thành phố có hơn 400.000 doanh nghiệp, do đó chuyển đổi số hiệu quả là một nhu cầu cấp thiết nhằm bắt kịp xu hướng thị trường, xu hướng tiêu dùng mới và thay đổi mô hình kinh doanh.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp sẽ giúp tổ chức, doanh nghiệp tiệm cận, hòa nhập với thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng diễn ra rất nhanh chóng và mạnh mẽ trên toàn cầu, doanh nghiệp nào đi trước doanh nghiệp đó sẽ được lợi thế cạnh tranh cao hơn.

Thực tiễn phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới cho thấy vai trò của ứng dụng các công nghệ số đã phát huy tác dụng đến từng doanh nghiệp (hội họp trực tuyến, điều hành từ xa, thương mại điện tử), từng gia đình và đã tạo ra một phong cách mới, những mô hình quản trị, kinh doanh,  phương thức kinh doanh mới hiệu quả cao hơn.

Trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, các thành viên Hội Tin học Tp. Hồ Chí Minh (HCA) cùng Sở Thông tin và Truyền thông triển khai kịp thời, xây dựng nhanh các ứng dụng như hệ thống họp trực tuyến thành phố, hệ thống lưu trữ tài liệu bảo mật cho đội ngũ công chức khi làm việc tại nhà.

Ngoài ra, sàn giao dịch các sản phẩm công nghệ thông tin với hơn 60 doanh nghiệp hội viên cung cấp 280 sản phẩm, giải pháp phục vụ xã hội, chứng tỏ năng lực công nghệ thông tin của doanh nghiệp rất lớn.

Lấy ví dụ từ thực tế, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch HCA chia sẻ, vừa qua, như phần mềm Zoom phục vụ học trực tuyến, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm được.

Nếu thành phố có hướng dẫn, hỗ trợ như mua hoặc thuê trong thời gian ngắn hạn cho tất cả các trường học trên địa bàn sử dụng, sẽ tạo đầu ra cho doanh nghiệp.

Tất nhiên, không chỉ mua một sản phẩm của một đơn vị, mà lựa chọn nhiều sản phẩm đấu thầu, nhưng ưu tiên cho sản phẩm “Make in Việt Nam”.

Một trong những yếu tố giúp quá trình thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp được thành công là quyết định kịp thời và văn hóa chuyển đổi số là yếu tố tạo nên sự thành công của doanh nghiệp.

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) nhận định, việc ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp sản xuất chỉ cần chủ động nhanh hơn một bước, linh hoạt và “liệu cơm gắp mắm” thì doanh nghiệp có thể và sẽ thành công.

Doanh nghiệp nên đầu tư công nghệ đồng bộ và đều đặn trong toàn bộ chuỗi giá trị công việc. Lãnh đạo doanh nghiệp cần có hướng nhìn thực tế, không nên đi theo một hướng, chuyên sâu, lâu đến đích, dễ bỏ cuộc.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết, Hội Tin học đã nỗ lực huy động cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cùng chung tay, góp sức để thúc đẩy sự tiên phong, sáng tạo, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ngay chính bản thân nội tại của các doanh nghiệp công nghệ, từ đó rút kinh nghiệm và lan tỏa đến các lĩnh vực kinh tế xã hội.

HCA chủ động liên hệ xây dựng chương trình hợp tác với hơn 15 hiệp hội ngành nghề trên địa bàn để cùng nhau thực hiện chuyển đổi số.

Thay đổi tư duy

Thành phố đã ban hành Chương trình chuyển đổi số, nhưng để triển khai rộng rãi trong thực tế, cần sự nỗ lực lớn từ cả chính quyền, doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp ứng dụng.

Trong đó, sự thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong tình hình mới có vai trò quyết định đến thành công của Chương trình.

Là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng Thí nghiệm khoa học dữ liệu (Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán) chia sẻ, chuyển đổi số quan trọng nhất là nhận thức phải đi đầu.

Kinh nghiệm trao đổi với các nơi, doanh nghiệp, địa phương… thì chúng ta chưa đủ sâu về chuyển đổi số. Nếu không có nhận thức sâu, rất khó làm chuyển đổi số, đặc biệt việc này phải bắt đầu từ người lãnh đạo. Cùng với đó, phải đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp với các kỹ thuật thực hiện chuyển đổi số.

Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp còn khá mơ hồ.

Tập đoàn FPT đã trực tiếp thực hiện chuyển đổi số cho một số doanh nghiệp trong ngành gỗ, tôm, trang sức… thấy rằng năng lực công nghệ thông tin còn khá yếu. Hiện nay vẫn là chuyển số theo mỗi doanh nghiệp, phải làm sao kết nối hệ thống số của doanh nghiệp và tài nguyên số, kho dữ liệu của thành phố để họ tận dụng nguồn lực này.

Thành phố cần tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp có thể kết nối vào hệ thống chuyển đổi số của thành phố, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, Hội Tin học dự kiến sẽ hoàn thành bộ catalog sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số và các chương trình lớn của thành phố, được chia làm 14 nhóm lĩnh vực ngành nghề, kinh tế.

Ngoài ra, Hội cũng thành lập câu lạc bộ chuyên gia chuyển đổi số để tư vấn, phản biện, đánh giá các sản phẩm phù hợp cho các nhóm doanh nghiệp ứng dụng; triển khai chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể; các khu công nghiệp và ngành sản xuất trên địa bàn thành phố.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long đề xuất, thành phố cần có chương trình mỗi xã, phường có một ứng dụng công nghệ thông tin tiêu biểu dựa trên các tiêu chí đánh giá rõ ràng, ưu tiên các lĩnh vực phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tp. Hồ Chí Minh có hơn 320 phường, xã nhưng không có thế mạnh về trái cây, sản phẩm nông nghiệp hay các sản phẩm khác như các tỉnh.

Tuy nhiên, thành phố có công nghệ thông tin, phần mềm là “đặc sản”. Nếu thí điểm trong 3 năm liên tiếp thì thành phố ít nhất sẽ có những “đặc sản” ở các cấp thấp nhất trong hệ thống chính quyền là phường, xã, tạo ra giúp người dân, chính quyền với chi phí thấp.

“Ngoài ra, thành phố yêu cầu các tổng công ty, doanh nghiệp thuộc thành phố sử dụng ít nhất 30% ngân sách của Quỹ khoa học công nghệ dành cho ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Qua khảo sát, quỹ khoa học công nghệ trong doanh nghiệp rất nhiều”, ông Long chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Viết Toàn, Tổng Giám đốc Công ty Kỹ thuật tự động ETEC, phải xem chuyển đổi số như việc các bộ ngành đang muốn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, lượng ngân sách và nguồn lực rất lớn.

Nếu không có chính sách rõ ràng, xuyên suốt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.

Khả năng tiếp cận của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa quá yếu, do vậy câu chuyện về truyền thông, thay đổi nhận thức chủ sở hữu doanh nghiệp phải thực hiện để họ tiếp cận, giúp năng lực cạnh tranh tốt hơn.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố sẽ phối hợp với đối tác công nghệ giới thiệu gói giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số “SBD + 10.000 SMEs”.

Theo ông Chu Tiến Dũng, nội dung gói giải pháp sẽ hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số cơ bản. Chỉ với chi phí 555.000 đồng/tháng, khách hàng sẽ được cung cấp gói giải pháp cơ bản trọn gói.

Tại buổi công bố Chương trình chuyển đổi số của Tp. Hồ Chí Minh vừa qua, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố luôn ý thức, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tác động toàn diện đến tất cả các mặt đời sống kinh tế - xã hội thì chuyển đổi số là cơ hội để biến nguy thành cơ.

Do đó, đặt ra yêu cầu thành phố phải nỗ lực nhiều hơn đưa chương trình chuyển đổi số trở thành một nhân tố quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch bệnh.

Thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung các công trình, dự án thuộc Chương trình chuyển đổi số vào Chương trình kích cầu đầu tư thành phố. Lập danh mục các công trình, dự án thuộc Chương trình chuyển đổi số để triển khai xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục