Cơ quan quản lý cạnh tranh Đức đưa Amazon vào diện tăng cường kiểm soát

20:23' - 06/07/2022
BNEWS Cơ quan quản lý chống độc quyền của Đức Federal Cartel Office (FCO) ngày 6/7 cho biết đã đưa “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon vào diện cần kiểm soát chặt chẽ.

Cơ quan quản lý chống độc quyền của Đức Federal Cartel Office (FCO) ngày 6/7 cho biết đã đưa “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon vào diện cần kiểm soát chặt chẽ hơn để xem liệu tập đoàn này có hành vi lạm dụng vị thế thị trường của mình hay không.

 

FCO đã quyết định Amazon là công ty “có vai trò tối quan trọng đối với sự cạnh tranh”. Động thái này sẽ cho phép FCO hành động tích cực hơn để “can thiệp và cấm các hành vi có khả năng chống lại cạnh tranh”.

Người đứng đầu FCO, ông Andreas Mundt, cho hay Amazon là một “nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực thương mại điện tử” và đã tạo ra một “hệ sinh thái kỹ thuật số” với vai trò của cả người bán và nền tảng thương mại điện tử.

FCO ước tính cứ 2 euro được chi cho bán lẻ trực tuyến tại Đức thì có hơn 1 euro được chi thông qua website tại Đức của Amazon.

Theo cơ quan này, với tư cách là một nền tảng cho các người bán, Amazon nắm giữ “hơn 70%” thị trường, qua đó đem lại cho “ông lớn” này một vị thế “nổi trội”.

FCO hiện đang tiến hành hai cuộc điều tra khác vào các hành vi của Amazon theo quy trình thông thường. Với cuộc điều tra thứ nhất, FCO xem xét xem liệu Amazon có sử dụng “các thuật toán và cơ chế kiểm soát giá” để gây ảnh hưởng đến người bán trong quá trình định giá trên nền tảng của tập đoàn.

Còn trong cuộc điều tra thứ hai, FCO đang xem xét liệu các thỏa thuận với các nhà sản xuất thương hiệu lớn, mà theo đó những người bán thuộc bên thứ ba không được bán các sản phẩm có thương hiệu, có cấu thành một hành vi vi phạm phát luật về cạnh tranh hay không.

Trước Amazon, tập đoàn mẹ của Google là Alphabet, và Meta, tập đoàn đứng sau mạng xã hội Facebook, cũng đã được đưa vào diện cần kiểm soát tăng cường theo Đạo luật Cạnh tranh Đức. Đạo luật nói trên, có hiệu lực vào tháng 1/2021, cho phép FCO can thiệp sớm hơn, nhất là đối với các “ông lớn” công nghệ trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục