“Cơn bão” giá trên thị trường nguyên vật liệu

06:30' - 08/04/2022
BNEWS “Cơn bão” giá hàng hóa và nguyên liệu là hậu quả nghiêm trọng của căng thẳng Nga-Ukraine, nhưng cũng là hậu quả của quá trình thả nổi quản lý trên thị trường giao dịch nguyên liệu.

Theo báo Pháp Le Monde, “cơn bão” giá hàng hóa và nguyên liệu gần đây là hậu quả nghiêm trọng của căng thẳng Nga-Ukraine, nhưng cũng là hậu quả của quá trình giao dịch trên thị trường nguyên liệu giống như thị trường tài chính và thả nổi quản lý. Hiện tượng này bắt đầu từ 40 năm trước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trung gian làm mưa làm gió.

Giá dầu tăng gấp 4 lần trong vòng ba năm, giá khí đốt tăng gấp 10 lần trong cùng kỳ, giá lúa mỳ tăng 2,5 lần. Sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2, giá các loại nguyên liệu đã bùng nổ với tốc độ kỷ lục, đẩy thế giới vào thời kỳ giá cả dao động mạnh.

Cú sốc diễn ra ở khắp nơi, bắt đầu từ điện và khí đốt. Tăng trưởng toàn cầu dự báo sẽ giảm ít nhất 1 phần trăm hoặc có thể hơn, thậm chí thế giới có nguy cơ bước vào suy thoái năm 2023.

Đó phải chăng là hậu quả hợp logic và khó tránh khỏi của quy luật thị trường? Hoặc đó là dấu hiệu rõ ràng của sự vận hành trục trặc trong nền kinh tế ?

Thực ra, thị trường nguyên liệu chưa bao giờ vận hành một cách hỗn loạn đến mức như hiện nay. “Điều khó tin nhất của hiện tượng này là từ 40 năm nay, các chính phủ đã mất kiểm soát đối với thị trường năng lượng”, Javier Blas, đồng tác giả cuốn sách rất được đánh giá cao có tựa đề “Bán cả thế giới” – The World for sale, nhận xét.

Giáo sư lịch sử kinh tế Philippe Chalmin tại Đại học Dauphine (Pháp) cũng có đánh giá tương tự: “Trong 40 năm qua, tất cả các loại nguyên liệu đã trở thành hàng hóa giao dịch giống như tất cả các sản phẩm khác”.

Đã qua thời mà giá nguyên liệu được điều tiết chặt chẽ. Sự thả nổi quản lý, đi kèm với xu hướng giao dịch kiểu tài chính thái quá và thiếu minh bạch, đã tạo ra một thế giới mới chỉ có một nhóm nhỏ các công ty thương lượng có quyền lực lớn chi phối.

Chào mừng đến với “thành lũy cuối cùng của chủ nghĩa tư bản hoang dã”, như nhận xét của ông Blas.

Giao dịch tài chính thái quá trên thị trường nguyên liệu

Ngày 20/4/2020, trong khi thế giới vẫn đang chìm trong những diễn biến tiêu cực của đại dịch COVID-19, một hiện tượng chưa từng có tiền lệ xuất hiện đã gây sửng sốt cho tất cả các nhà giao dịch dầu mỏ.

Tại thị trường thương mại New York (New York Mercantile Exchange), giá dầu rơi xuống ngưỡng -37,63 USD/thùng. Vì mỗi hợp đồng dầu mỏ phải có số lượng ít nhất 1000 thùng, điều đó đồng nghĩa với việc người bán chấp nhận trả cho người mua một số tiền để thoát khỏi “cục nợ”. Nguyên nhân của hiện tượng này là sự giao thoa giữa đầu cơ tài chính và hàng hóa thực tế.

Trở lại năm 1983 tại Mỹ, lần đầu tiên dầu mỏ trở thành một hàng hóa tài chính. Hợp đồng tương lai đầu tiên được West Texas Intermediate, tiêu chuẩn Mỹ về chất lương dầu thô (WTI), thiết lập. Đối với mỗi hợp đồng, người bán cam kết giao dầu thô tại một thời điểm định trước với mức giá định trước.

Tuy nhiên, đây không phải là một hợp đồng trừu tượng, mà gắn chặt với thực tế. Đến kỳ hạn dầu sẽ được chuyển đến Cushing, bang Oklahoma, nơi đặt nhiều nhà máy lọc dầu của Mỹ.

Đối với các doanh nghiệp phụ thuộc vào dầu mỏ, hợp đồng tương lai thật đáng quý. Nhờ đó một công ty hàng không có thể đàm phán mua trước nhiên liệu với mức giá phù hợp. Nhưng để cả hệ thống hoạt động, cần phải có sự tham gia của các nhà đầu cơ chấp nhận mua và bán sản phẩm này, đóng vai trò trung gian giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ.

Những người trung gian này ngày càng trở nên quan trọng. Theo một nghiên cứu của hai Giáo sư Michel Robe và John Roberts thuộc trường đại học Illinois, trên thị trường nông sản Mỹ chẳng hạn, lực lượng đầu cơ thuần túy chiếm 50-70% khối lượng giao dịch. Đối với lúa mỳ, chỉ khoảng 24-39% giao dịch thuộc về các doanh nghiệp tiêu thụ thực sự, số còn lại thuộc về các nhà đầu tư.

Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra, giá dầu rơi xuống mức rất thấp. Giới đầu cơ "phấp phỏng" với các hợp đồng sẽ phải thực hiện đúng ngày 21/4 nhưng không có người mua nào quan tâm. Họ đứng trước nguy cơ phải ôm rất nhiều dầu sẽ giao mà không biết làm thế nào để xử lý.

Không thể mua ngay lập tức kho chứa, tất cả đều đầy, còn tiêu thụ dầu thế giới thì giảm đến 1/4. Đến ngày 17/4, sự hoảng loạn lan rộng khắp thị trường. Họ cần phải khẩn cấp giũ bỏ khối lượng lớn dầu. Nhưng các doanh nghiệp nắm giữ các kho chứa khi đó ở vị thế mạnh để đàm phán mua vào với giá rất rẻ.

Giáo sư Joëlle Miffre của Trường kinh doanh Audencia (Pháp) đã theo dõi rất sát sao thời kỳ giá dầu âm trong giai đoạn diễn ra đại dịch COVID-19. Bà thừa nhận việc giá dầu ở mức từ -37 USD tăng lên 139 USD/thùng trong vòng hai năm là rất “lạ thường”. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng “thị trường đang tự điều tiết” và “các ngân hàng đầu tư sẽ tạo điều kiện cho thanh khoản và hình thành giá cả”.

Các cú sốc năm 1973 và 1979 đã diễn ra trước giai đoạn tài chính hóa thị trường dầu mỏ, khi vẫn chưa xuất hiện hợp đồng tương lai. Trong khi đó, thực tế cho thấy có nhiều loại nguyên liệu không có hình thức giao dịch bằng hợp đồng tương lai cũng đang rất bấp bênh.

“Hãy xem thị trường lithium, không có các hợp đồng kỳ hạn. Trong vòng một năm, giá cả đã tăng đến 8 lần”.

Giáo sư Robe cho rằng hiện nay chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc thao túng. Những căng thẳng tại Ukraine đã làm thay đổi tình thế và giá cả chỉ phản ánh chính xác thực tế.

Từ giai đoạn những năm 2000, các ngân hàng đầu tư đã mở ra những bộ phận mới phụ trách thị trường nguyên liệu. Giới đầu tư đánh cược vào biến động giá cả mà không cần quan tâm tới việc biến động sẽ ảnh hưởng thế nào đến đời sống thực.

Hội nghị của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc châu Âu (UNECE) đã gióng lên hồi chuông báo động về điều này. Trước thời điểm năm 2000, giá nguyên liệu diễn biến tách biệt với thị trường tài chính, không bị ảnh hưởng đáng kể. Từ đó về sau, cả hai chuyển động song hành, bất kể logic của nền kinh tế.

Nickel – một trường hợp kỳ lạ

Sàn giao dịch kim loại London (LME) rất tự hào về bề dày lịch sử. LME được thành lập từ năm 1877, sở hữu mạng lưới kho chứa lớn và vẫn tiếp tục giao dịch bằng cách hô giá như trước đây cả trăm năm.

Tất cả các ngày, một vài nhà giao dịch gặp nhau xung quanh những chiếc bàn đỏ để trao đổi hợp đồng bằng cách hô giá thật to, một cảnh tượng rất lạ với những người không am hiểu.  

Thực tế từ rất lâu, giao dịch chủ yếu được thực hiện qua máy tính. Tuy nhiên, đêm ngày 7 rạng ngày 8/3 vừa qua là thời điểm đặc biệt. Giá nickel, kim loại quan trọng được sử dụng để chế tạo ắc quy xe điện và thép không gỉ bất ngờ tăng vọt hơn 4 lần so với cách đó chỉ hai ngày, lên đến 100.000 USD/tấn. Đến 8h15, ban lãnh đạo LME đã ra quyết định chưa từng có đó là không chỉ dừng niêm yết, một điều tương đối bình thường khi thị trường hỗn loạn, mà họ còn hủy một số giao dịch được thực hiện trong đêm.

Điều này đã làm mất lòng tin của thị trường. Michael Marlowe, Giám đốc công ty tư vấn kim loại Hythe Bay Metals cho rằng LME đã tìm cách kiếm tiền dễ bằng cách thu hút giao dịch thực hiện với tần suất cực ngắn, chỉ vài phần nghìn giây dựa trên thuật toán số học. Ông cho rằng không thể tư vấn chính xác cho khách hàng về giao dịch vô lý như thế.

Sự biến động quá lớn ảnh hưởng nặng nề đến những khách hàng tiêu thụ thực sự và cả người sản xuất. Xavier Gravelat, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu khoáng sản New Calidonie, cho rằng những hiện tượng này là “hoàn toàn sai trái”. New Calidonie chiếm 6-7% nguồn cung nickel thế giới.

Nguyên nhân xuất phát từ Trung Quốc. Xiang Guangda là tỷ phú sở hữu Tsingshan Holding, tập đoàn số một thế giới kinh doanh nickel và thép không gỉ. Trong giới, ông có biệt danh là Big Shot, nổi tiếng với những phe đặt cược nhiều rủi ro.

Trước khi căng thẳng tại Ukraine bùng phát, Xiang Guangda đã đánh cược giá nickel sẽ xuống. Điều này không có gì bất thường bởi nhà tỷ phú đã nhiều lần đánh lớn. Theo một cuộc điều tra của hãng thông tấn Bloomberg, riêng tỷ phú Xiang Guangda nắm trong tay 12% tất cả các hợp đồng nickel giao dịch tại LME. Khi giá nickel bắt đầu tăng do căng thẳng địa chính trị, nguồn cung từ Nga bị ảnh hưởng mạnh, tỷ phú Xiang bắt đầu hoảng sợ, tìm cách mua lại nickel và đẩy giá tăng vọt. Điều đó càng làm cho vấn đề của ông trở nên trầm trọng hơn.

Trong bối cảnh đó, sự can thiệp của LME vào phiên 8/3 gây ra sự ngờ vực lớn. Với việc hủy khẩn cấp các giao dịch, lãnh đạo thị trường trên thực tế đã hỗ trợ cho Big Shot, đưa cho ông ta một “chiếc phao cứu sinh” đúng lúc.

Trong khi đó, cơ quan tài chính Anh cũng không có phản ứng nào đặc biệt. Từ trước đến nay Cơ quan quản lý tài chính Anh chịu trách nhiệm giám sát ngân hàng và thị trường chứng khoán vẫn có truyền thống để LME tự hành động.

Một chi tiết đáng chú ý là từ năm, LME đã thuộc sở hữu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc). Liệu có sự liên hệ giữa sự cố của tỷ phú Xiang và điều này hay không ?

Đã có thời giá nguyên liệu bị kiểm soát chặt

Giáo sư Chalmin cho biết, trong thập kỷ 1960, mọi người “có thể ngủ ngon vì chắc chắn rằng ngày mai giá USD, dầu mỏ, đồng và lúa mỳ sẽ không thay đổi”.

Còn ngày nay, ai cũng tin rằng tất cả sẽ biến động. Tương tự như các loại ngoại tệ trước khi xuất hiện hệ thống Bretton Woods vào năm 1971, giá cả nguyên liệu được điều tiết chặt chẽ.

Dầu mỏ là ví dụ điển hình. Cho đến tận những năm 1960, sản xuất “vàng đen” gần như hoàn toàn chịu sự chi phối của “7 chị em”, đó là những tập đoàn dầu lửa khổng lồ của Mỹ và Anh, tiền thân của BP, Shell, Exxon ngày nay.

Họ hút dầu thô ở nước ngoài, chủ yếu là ở vùng Vịnh, sau đó tự lọc tại các nhà máy của chính mình, bán ra cũng ở các cây xăng do họ làm chủ. Rất hiếm khi xuất hiện hiện tượng mua bán những chuyến hàng lớn ngoài hệ thống, bởi ngành công nghiệp dầu mỏ được tổ chức chặt chẽ theo chiều dọc.

Không có thị trường, giá dầu được quyết định chủ yếu dựa trên giá thành. Việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giành lại quyền điều hành trong cú sốc dầu mỏ 1973 đã làm thay đổi cán cân sức mạnh, nhưng không làm thay đổi cơ cấu giá. Sau đó, một số nước quốc hữu hóa, kiểm soát trữ lượng dầu khí, nhưng giá cả vẫn do những tập đoàn ấn định mà không để tự do lên xuống.

Tất cả chỉ thay đổi sau khi ông Ronald Reagan lên làm Tổng thống Mỹ. Nhà lãnh đạo ủng hộ tuyệt đối việc giảm bớt sự can thiệp của nhà nước và không muốn chấp nhận dầu bị Chính phủ Mỹ định giá quá thấp một cách tùy tiện nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, thấp hơn nhiều giá của OPEC.

Ngày 28/1/1981, Tổng thống Reagan cho phép thả nổi thị trường. Các tập đoàn dầu mỏ Mỹ lợi dụng cơ hội, tăng sản lượng, khiến cho giá thị trường sụp đổ. OPEC mất khả năng can thiệp và mất dần thị phần do sản lượng dầu biển Bắc tăng quá nhanh. Sau vài năm, tổ chức này cũng phải tử bỏ ý định và chấp nhận quy luật cung cầu. Từ đó, OPEC chỉ còn hành động bằng cách tăng giảm khai thác để tác động đến xu hướng giá.

Trong khi đó, nông nghiệp lại là lĩnh vực khác. Có hàng nghìn nhà sản xuất và ngành này phụ thuộc lớn vào thời tiết. Từ năm 1848, Sàn giao dịch hàng hoá Cicago (CBOT) đã thiết lập những hợp đồng thương lai đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, châu Âu định đưa vào khuôn khổ biến động giá cả thị trường. Năm 1957, Chính sách nông nghiệp chung của châu Âu đã quyết định ấn định giá cả ở mức cao nhằm khuyến khích các nhà đầu tư và cải thiện năng suất. Tuy nhiên, hệ thống nhanh chóng bộc lộ những bất cập.

Đầu năm 1990, giá ngũ cốc châu Âu cao gần gấp đôi bên ngoài. Do đó, ngành chăn nuôi châu Âu ngày càng tiêu thụ ít ngũ cố do châu Âu sản xuất. Để trợ giá, các chính phủ dành một nguồn ngân sách và kho bãi lớn để tích trữ, kích thích xuất khẩu.

Dần dần, chính sách quản lý giá bị bãi bỏ và biến mất hoàn toàn vào năm 2006. Từ đó đến nay, giá cả hoàn toàn do thị trường thế giới quyết định. Hậu quả là, theo Giáo sư Chalmin, sức mạnh của kẻ mạnh được tăng lên trong khi những người yếu thế ngày càng yếu đi.

Các trung tâm giao dịch chiếm quyền

Với việc tự do hóa giá nguyên liệu, một nghề mới đột nhiên trở nên thịnh hành đó là trung gian môi giới. Rất nhiều nhân tố mới bắt đầu tham gia mua bán khối lượng lớn dầu mỏ, lúa mỳ, khoáng sản. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào cuối năm 1989, mở toang cánh cửa dẫn những nguồn trữ lượng nguyên liệu lớn đổ vào thị trường thế giới, xu hướng này lại càng gia tăng, đặc biệt là với sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc.

Hàng loạt tên tuổi mới lộ diện, đó là Glencore, Vitol, Trafigura, Cargill, Louis-Dreyfus Company. Năm 2019, 4 tập đoàn đứng đầu giao dịch nguyên liệu đã có doanh số lên đến 725 tỷ USD. Trong ngành nông nghiệp, 7 công ty kiểm soát một nửa thương mại toàn cầu. Các công ty này chủ yếu đặt trụ sở ở Thụy Sỹ, ít khi xuất hiện trên truyền thông và thích đứng trong bóng tối hơn. Theo ông Blas, họ không ngần ngại “đùa giỡn” với cái đói của hàng triệu người trên thế giới.

Giữa năm 2010, một vụ hạn hán lớn làm thu hoạch lúa mỳ của Nga giảm mạnh, khiến thị trường lo ngại về khả năng Nga dừng xuất khẩu. Ngày 3/8 năm đó, Yury Ognev, một nhà môi giới làm trung gian cho các giao dịch ngũ cốc tại Nga cho Glencore, đã lên truyền hình kêu gọi Nga phong tỏa xuất khẩu.

“Theo quan điểm cá nhân, chính phủ có tất cả các lý do để ngừng xuất khẩu”, ông tuyên bố. Để chắc chắn là thông điệp được truyền đi, Yury Ognev gửi thêm một thông cáo báo chí cho các phóng viên. Hai ngày sau, Nga thông báo ngừng xuất khẩu, khiến giá lúa mỳ thế giới tăng vọt.

Điều mà ông Yury Ognev không nói ra đó là Glencore đã âm thầm mua tại thị trường chứng khoán Chicago rất nhiều hợp đồng tương lai, đánh cược vào việc giá lúa mỳ tăng mạnh. Tuyên bố của ông Yury Ognev đã giúp Glencore “vớ bẫm”.

Năm 2010, bộ phận giao dịch nông sản của Glencore thu về khoản lợi nhuận 659 triệu USD. Cùng năm, giá lương thực nhảy múa đã góp phần kích động phong trào Mùa Xuân Arập. Theo ông Blas, các hãng trung gian đã trở thành những “tay buôn quyền lực”.

Thiên nhiên: Hàng hóa mới của giao dịch tài chính

Trong khi giá cả leo thang, có một loại “nguyên liệu” đang mất giá mạnh, đó là CO2. Giấy phép ô nhiễm của Liên minh châu Âu (EU) có lúc đã giảm từ 90 euro/tấn xuống còn 58 euro/tấn, trước khi trở lại mức 80 euro/tấn.

Thông thường dầu càng đắt, quyền phát thải khí gây ô nhiễm cũng tăng giá theo nhưng tại sao lại có xu hướng ngược như vậy? Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng đó là bằng chứng của hiện tượng giao dịch theo mô hình thị trường tài chính. Trước cơn bão tài chính đang thổi mạnh, các nhà đầu tư cần tiền và bán ra quyền phát thải mà họ nắm giữ. 

Frédéric Hache, nhà hoạt động của tổ chức Quan sát tài chính xanh (Green Finance Observatory), nhận định thị trường phát thải CO2 đang thay đổi về quy mô. Tương tự thị trường nguyên liệu đầu những năm 2000, một dòng vốn đầu tư bên ngoài bắt đầu đổ vào “tài sản môi trường”.

Vấn đề là rất nhiều sản phẩm tài chính như vậy có hại cho hành tinh. Nhà hoạt động này cho biết: “Xuất hiện thêm rất nhiều dự án bù đắp cho lượng phát thải carbon, chủ yếu là trồng cây theo mô hình độc canh. Nguồn vốn đầu tư này lấy mất nhiều đất đai lẽ ra dành cho nông nghiệp và có nguy cơ đẩy giá lượng thực lên cao hơn”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục