"Cơn địa chấn" thuế quan – Bài 1: Thông điệp cứng rắn

05:30' - 05/04/2025
BNEWS Theo ước tính sơ bộ, nếu được thực hiện đầy đủ, mức thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ sẽ tăng khoảng 17 điểm phần trăm, lên hơn 20%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington D.C., ngày 14/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo các phân tích từ mạng tin HK01 và tờ Wall Street Journal (WSJ), quyết định áp thuế quy mô lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể định hình lại sâu sắc cục diện thương mại toàn cầu, đặt ra câu hỏi khó về tương lai của toàn cầu hóa và người chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan tiềm tàng này.

* Kế hoạch áp thuế tham vọng và thông điệp cứng rắn

Gói áp thuế được đề xuất, có thể là lớn nhất từ trước đến nay của ông Trump, phát đi một thông điệp rõ ràng đến các công ty Mỹ và nước ngoài: kỷ nguyên toàn cầu hóa, vốn thúc đẩy kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ, có thể sắp kết thúc. Trọng tâm của kế hoạch, được gọi là “Ngày Giải Phóng”, áp đặt các mức thuế mới lên lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá hàng nghìn tỷ USD. Điều này cho thấy Nhà Trắng mong muốn hàng hóa bán cho người tiêu dùng Mỹ phải được sản xuất tại các nhà máy trong lãnh thổ Mỹ.

 
Theo HK01, kế hoạch này bao gồm việc áp thuế đối ứng với 185 đối tác thương mại. Nhà Trắng đã giải thích thuế quan mới, được gọi là thuế “có đi có lại” hay thuế đối ứng, chỉ bằng 50% rào cản thương mại mà các quốc gia áp với hàng hoá của Mỹ (quy đổi thành thuế suất), với mức thuế tối thiểu là 10%.

Quy mô của các mức thuế đối ứng vượt xa dự đoán trước đây. Cụ thể, Trung Quốc đối mặt với mức thuế đối ứng 34%, Liên minh châu Âu (EU) 20%, Việt Nam 46%, Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) 32%, Nhật Bản 24%, Ấn Độ 26%, Hàn Quốc 25%, Thái Lan 36%, Thụy Sĩ 31%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Anh 10%, Nam Phi 30%, Brazil 10%, Singapore 10% và Philippines 17%.

Nhà Trắng cho biết Canada và Mexico sẽ không nằm trong danh sách áp thuế đối ứng này, và các sản phẩm đủ điều kiện theo Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) tiếp tục được miễn trừ. Tuy nhiên, WSJ lưu ý rằng hai nước này vẫn có thể phải đối mặt với mức thuế 25% mà ông Trump từng áp lên hàng hóa ngoài phạm vi USMCA, cùng với nguy cơ USMCA có thể bị hủy bỏ vì các vấn đề phi thương mại như ma túy và nhập cư.

Mức thuế được ông Trump công bố lần này cao hơn ước tính trước đó vì Bộ Thương mại Mỹ được cho là đã tính cả các rào cản phi thuế quan và ngoài phạm vi thuế giá trị gia tăng (VAT), như tiếp cận thị trường, trợ cấp chính phủ, kìm hãm tiền lương, hạn chế nhập khẩu… vào quá trình ra quyết định.

Tài liệu của Nhà Trắng nêu rõ, mức thuế 10% phổ quát và thuế đối ứng sẽ được áp dụng ngoài các mức thuế hiện hành. Ví dụ, mức thuế 34% đối với Trung Quốc có thể được cộng vào mức thuế 20% đã được ông Trump công bố trong năm nay, nâng tổng thuế suất lên 54%. Nếu tính cả thuế quan Mục 301 từ giai đoạn 2018-2019 (trung bình khoảng 12%), mức thuế cộng dồn đối với Trung Quốc có thể lên tới 66% (trừ khi Mục 301 được miễn trừ). Ông Trump còn đe dọa áp thêm 25% thuế với hàng hóa Trung Quốc vì cho rằng nước này mua dầu từ Venezuela, có thể đẩy tổng mức thuế quan mới lên tới 79%.

Theo ước tính sơ bộ, nếu được thực hiện đầy đủ, mức thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ sẽ tăng khoảng 17 điểm phần trăm, lên hơn 20%.

Tổng thống Trump kỳ vọng "bức tường thuế quan" cao sẽ mở ra kỷ nguyên vàng cho việc làm trong ngành sản xuất và sự thịnh vượng lan tỏa tại Mỹ. Theo ông Trump, chính sách thuế quan có thể đạt ba mục tiêu: tăng nguồn thu thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách và nợ công; buộc sản xuất quay trở lại Mỹ; và đạt được các mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, HK01 cho rằng đây là một "tam giác bất khả thi", khó có thể đạt được cả ba mục tiêu cùng lúc, đặc biệt khi nhiều quốc gia cũng đang đối mặt với nợ nần chồng chất.

* Phản ứng của thị trường và tác động kinh tế tiềm ẩn

Thông tin về thuế quan đã gây ra phản ứng tiêu cực trên thị trường. Phiên 2/4, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm điểm sau giờ giao dịch khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch áp thuế. Tương tự, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 15 điểm cơ bản xuống còn khoảng 4,05%. Chỉ số đồng USD tăng lúc đầu, sau đó đảo chiều đi xuống, gây rối loạn về mặt tổng thể.

Dữ liệu khảo sát dư luận đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về cách chính quyền Tổng thống Trump vận hành nền kinh tế. Một cuộc thăm dò mới nhất do hãng tin AP và Trung tâm nghiên cứu ý kiến quốc gia của Đại học Chicago công bố vào ngày 31/3 cho thấy, khi các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và nhiều quốc gia tiếp tục leo thang, khoảng 60% người Mỹ được khảo sát không đồng tình với cách Chính phủ Mỹ xử lý thuế quan và đàm phán thương mại.

Về mặt lý thuyết, việc áp thuế có thể làm đồng USD mạnh lên, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ và thúc đẩy dịch chuyển sản xuất ra khỏi Mỹ. Đồng thời, nguy cơ các nước trả đũa là rất cao. Nếu một cuộc chiến thuế quan quy mô lớn nổ ra, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể tăng mạnh, đẩy nền kinh tế vào nguy cơ suy thoái nghiêm trọng hơn.

Bài tiếp: "Cơn địa chấn" thuế quan  - Bài cuối: Khép lại kỷ nguyên toàn cầu hoá?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục