Con đường gập ghềnh phía trước của BRICS

05:30' - 13/10/2024
BNEWS Những mục tiêu khác nhau có thể khiến con đường phía trước của BRICS trở nên gập ghềnh. 
Trang tin của Viện Lowy (Australia) ngày 10/10 đăng bài viết cho rằng về lý thuyết, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm các thành viên sáng lập Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) là một đối thủ nặng ký. Tuy nhiên, những mục tiêu khác nhau có thể khiến con đường phía trước của khối này trở nên gập ghềnh.
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 25 tại thành phố Kazan (Nga) từ ngày 22-24/10. Hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm mang tính bước ngoặt đối với BRICS.
 
BRICS nổi lên từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007–2009 với tư cách là một nhóm gồm các nền kinh tế lớn mới nổi và lần đầu tiên được tập đoàn tài chính đa quốc gia Goldman Sachs mệnh danh là các thị trường lớn. Mục tiêu công khai của BRICS là cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, tăng cường ảnh hưởng của các nước đang phát triển và giảm bớt sự thống trị của phương Tây.
 
 
Về lý thuyết, chắc chắn BRICS là một đối thủ nặng ký. BRICS có quy mô và sức mạnh, chiếm gần 30% GDP toàn cầu (thậm chí nhiều hơn nếu tính theo sức mua tương đương) và 45% dân số thế giới. Tuy nhiên, có một sự bất cân xứng thực sự trong nội bộ BRICS: Trung Quốc chiếm gần 70% sản lượng kinh tế của BRICS.
 
Tham vọng cải cách quản trị tài chính toàn cầu nhằm phản ánh tính đa cực lớn hơn vẫn là mục tiêu chung thúc đẩy các thành viên BRICS đoàn kết với nhau. BRICS thúc đẩy việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại của mình, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và tìm kiếm một hệ thống thanh toán toàn cầu thay thế, bỏ qua hệ thống SWIFT. Mục tiêu này của BRICS đặc biệt thu hút Nga, nước muốn tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
 
Thế nhưng, ngày càng rõ ràng rằng các thành viên BRICS có những mục tiêu và tầm nhìn khác nhau và cạnh tranh với nhau về tương lai. Trung Quốc và Nga nhìn BRICS dưới góc độ địa chính trị đối nghịch hơn, vượt ra ngoài khát vọng cải cách quản trị toàn cầu của khối. Họ coi BRICS là tổ chức đối trọng với G7. Sự xuất hiện của BRICS phản ánh “sự chuyển đổi của cấu trúc quản trị toàn cầu và trật tự thế giới”, hướng tới “sự phân bổ lại quyền lực trên thế giới”.
 
Trong khi đó, Ấn Độ và Brazil vẫn tập trung vào BRICS chủ yếu như một phương tiện thúc đẩy cải cách trật tự quốc tế nhằm phản ánh tình hình đa cực thực sự và mang lại cho các nước lớn đang phát triển ảnh hưởng lớn hơn. Ấn Độ và Brazil đang mong muốn duy trì mối quan hệ với Mỹ và các đối tác phương Tây khác, không muốn BRICS trở thành phương tiện đối đầu với phương Tây, mà thay vào đó coi đây là một cách để Nam toàn cầu giữ cân bằng trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

 
Những quan điểm và lợi ích khác nhau này được thể hiện rõ ràng trong việc mở rộng thành viên của khối. Trung Quốc và Nga muốn mở rộng khối để tăng cường ảnh hưởng kinh tế. Tuy nhiên, Ấn Độ và Brazil lại tỏ ra thận trọng với việc mở rộng bởi việc có thêm thành viên sẽ làm phức tạp thêm tiến trình ra quyết định, khiến BRICS khó đạt được sự đồng thuận hơn. Việc mở rộng có nguy cơ khiến cho định hướng của BRICS có thể bị trệch hướng. Quan trọng hơn, nó có nguy cơ làm giảm ảnh hưởng của hai quốc gia này trong BRICS.
 
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm ngoái ở Johannesburg (Nam Phi), Trung Quốc và Nga dường như đã giành chiến thắng khi các nhà lãnh đạo mời 6 thành viên mới tham gia, gồm Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iran, Saudi Arabia, Ethiopia và Argentina (mặc dù sau đó Argentina đã từ chối tham gia sau khi Tổng thống Javier Milei đắc cử)  và tư cách thành viên của Saudi Arabia cũng chưa rõ ràng.
 
Trong một động thái có vẻ giống như một thỏa hiệp nội bộ, tháng Sáu vừa qua, các Ngoại trưởng BRICS đã đồng ý rằng nhóm sẽ tạm dừng việc mở rộng hơn nữa, thay vào đó sẽ thiết lập các tiêu chí về “quan hệ đối tác” làm bước đệm để trở thành thành viên chính thức. Tuy nhiên, điều này khó có thể làm giảm sự khát khao của Trung Quốc và Nga đối với việc tiếp tục mở rộng BRICS. Hiện giờ, Thổ Nhĩ Kỳ dường như rất muốn tham gia BRICS.
 
Nga chắc chắn sẽ công bố kết quả của hội nghị thượng đỉnh Kazan sắp tới khi củng cố hơn nữa BRICS với tư cách là một bên tham gia chính trên trường quốc tế. Với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm của BRICS, Nga đang tích cực thúc đẩy các cơ chế hợp tác theo ngành giữa những thành viên BRICS trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa, tạo ấn tượng về một tổ chức tràn đầy năng lượng và hiệu quả.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, những tiến bộ trong các lĩnh vực then chốt khá chậm và khó khăn. Việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại giữa các quốc gia BRICS đang gia tăng, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
 
Sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp tầm quan trọng tiềm tàng của BRICS với tư cách là một thế lực toàn cầu. Tuy nhiên, BRICS sẽ trở nên quan trọng và hiệu quả như thế nào vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục