Con đường phát triển nông nghiệp bền vững - Bài 1: Đang ở “bước chuyển đổi lịch sử”

16:33' - 29/03/2018
BNEWS Qua tìm hiểu thực tế tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, một vấn đề lớn cần phải tập trung giải quyết để phát triển ngành nông nghiệp bền vững.
Cánh đồng trồng giống lúa Nhật. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Đó chính là tổ chức sản xuất phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành liên kết chặt chẽ trong tất cả các ngành hàng, các khâu sản xuất đến lưu thông trong mối liên kết chặt chẽ giữa tiểu vùng và toàn vùng.

Để giải quyết bài toán đó, cần phải xác định “chi phí sản xuất cao”, “chất lượng nông sản kém” là hai “nút thắt” cơ bản cần phải được “phá vỡ” và người nông dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể đóng vai trò quyết định nhằm xóa bỏ hiện trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ - một lực cản vô cùng lớn, khiến cho những “chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp” của Chính phủ bị kiềm kẹp, không phát huy hiệu quả như mong muốn.

Bài 1: Đồng bằng sông Cửu Long đang ở “bước chuyển đổi lịch sử”

Kể từ sau “Hội nghị Diên Hồng” diễn ra vào cuối tháng 9/2017 tại Cần Thơ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ - CP 2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120). Có thể nói nghị quyết lần này là một nghị quyết sáng giá, đưa ra những định hướng chiến lược đúng đắn để phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đến thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp của vùng đã đi những bước đầu trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đây có thể xem là nền tảng để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 120 một cách căn cơ.

Những nền tảng bước đầu

Trong những năm vừa qua Chính phủ, các bộ ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, ngành nông nghiệp đã có nhiều chiến lược, quy hoạch, chính sách nông nghiệp vùng được ban hành như quy hoạch tổng thể thủy lợi, thay đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, cây ăn quả, chiến lược phát triển thủy sản …

Với những chính sách trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương tích cực chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cây trồng cạn khác với mục tiêu tăng tính linh hoạt của đất lúa, đạt diện tích chuyển đổi đất trồng lúa toàn vùng là hơn 78.000 ha, chuyển nhiều nhất sang trồng rau, dưa hấu, ngô…

Bộ cũng đã kết hợp các tỉnh trong vùng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhằm tránh hạn mặn. Cùng với đó, trong giai đoạn 2011-2017, các Viện nghiên cứu của Bộ đã lai tạo, công nhận 41 bộ giống lúa sản xuất thử; trong đó, có nhiều giống ngắn ngày, giúp né mặn, tránh lũ, chịu phèn, chịu mặn.

Ngoài ra, các quy trình canh tác lúa bền vững thích nghi với biến đổi khí hậu như “ba giảm, ba tăng”, “một phải năm giảm”, “một phải sáu giảm”, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng ngày càng được áp dụng trong vùng.

Nhiều mô hình cánh đồng lớn đã ra đời tại Đồng bằng sông Cửu Long giúp nông dân sản xuất nhỏ hình thành các vùng sản xuất lớn kết nối với doanh nghiệp dựa trên cơ chế hợp đồng, đạt tổng diện tích hơn 196.000 ha.

Có thể dẫn chứng ngành hàng lúa gạo tại tỉnh Đồng Tháp, sau 3 năm thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất, cùng với việc cơ giới hóa đã góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận từ 1 triệu- 6 triệu đồng/ha so với quy trình sản xuất cũ. Trong năm 2017, lợi nhuận bình quân 1 ha sản xuất trong vụ Đông Xuân đạt 13,1 triệu đồng (tăng 1,9 triệu đồng), vụ Hè Thu là 9 triệu đồng (tăng 340.000 đồng) và vụ Thu Đông là 10,9 triệu đồng (tăng 2,3 triệu đồng) so với cùng kỳ 2016.

Điều đáng lưu ý là tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường như: ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, mô hình trình diễn giảm giá thành sản xuất lúa kết hợp thử nghiệm phân bón thông minh tan chậm, mô hình canh tác lúa lý tưởng…

Có mặt tại cánh đồng lúa đang phát triển tươi tốt có diện tích 7,5 ha, ông Nguyễn Văn Thuận, ấp 4, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn bộ diện tích đất trồng lúa nói trên là của gia đình ông cho công ty cổ phần Mỹ Lan thuê để triển khai mô hình trình diễn canh tác lúa lý tưởng.

“Ngoài việc cho thuê ruộng, tôi cũng lo khâu chăm sóc cho toàn bộ mảnh ruộng này. Một mình tôi làm khỏe re vì áp dụng công nghệ nên giảm sức lao động đến gần 50%. Chưa kể chi phí phân, thuốc, nước và giống cũng giảm rất nhiều mà năng suất lại cao. Nhất là dù cùng loại giống nhưng cây lúa trồng kiểu này còn cứng cáp, chống chịu được thời tiết, không bị đổ ngã”, ông Thuận hồ hởi nói.

Theo lời ông Thuận, ngay từ đầu vụ sử dụng máy cấy lúa có 3 chức năng cấy, bón phân, phun thuốc cùng một lúc và bằng phương pháp cấy mạ khay nên chỉ sử dụng từ 5 – 6 kg lúa giống/ha thay vì phải sử dụng đến 20 kg giống/ha như phương pháp truyền thống. Đồng thời, trên ruộng có hệ thống quản lý mực nước tự động qua hệ thống cảm biến, được điều khiển bằng điện thoại thông minh để chủ động mực nước.

“Vụ này, có hơn 30 ha trồng lúa của nông dân nhờ công ty Mỹ Lan hỗ trợ phương thức canh tác này vì thấy lợi ích thiết thực quá. Qua mô hình, nông dân chúng tôi ngày càng nhận thức được việc sản xuất xanh, áp dụng phương thức canh tác mới để giảm chi phí, bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm đáp ứng thị trường”, ông Thuận chia sẻ.

Con đường đã rõ

Có thể nói, từ những kết quả nói trên cho thấy đây được xem là nền tảng để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 120 của Chính phủ. Bởi tầm nhìn trong nghị quyết này đến năm 2100 sẽ đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Theo chuyên gia độc lập Đồng bằng sông Cửu Long, Nguyễn Hữu Thiện, Nghị quyết lần này đã đưa ra chiến lược dài hơi cho đồng bằng theo hướng thích ứng “thuận thiên”, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên; chuyển tư duy nông nghiệp từ “tăng gia sản xuất” sang làm “kinh tế nông nghiệp” chú trọng chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, để thực hiện thành công Nghị quyết nói trên thì việc chuyển đổi mô hình phát triển cho đồng bằng phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối phó ngắn hạn, do vậy cần tập trung các vấn đề mang tính xương sống.

Theo đó, ngoài việc quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường, thì tái cấu trúc nông nghiệp phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Cụ thể là quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Một vấn đề quan trọng khác là tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, gắn với đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, khuyến khích nông dân khởi nghiệp cùng với nâng cao tri thức kinh doanh nông nghiệp cho nông dân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, vẫn còn nhiều việc khúc mắc phải tháo gỡ vì đến nay hiện trạng sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều thách thức và thách thức lớn nhất chính là khâu tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu những bước đi để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống là hết sức cần thiết. “Cho đến nay nhiều người vẫn chưa biết về những quyết sách để giải quyết những thách thức to lớn của đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng trong khi quyết sách đã có, còn lại là vấn đề phải thực hiện như thế nào mới là quan trọng”, chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho biết./.

Bài 2: Chưa đạt hiệu quả như mong muốn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục