Còn nhiều băn khoăn trong cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh

12:13' - 31/07/2018
BNEWS Dù đã có nhiều nỗ lực rà soát pháp luật; cắt bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, song liệu đã thực chất chưa vì chỉ mới có một vài điểm nhỏ về điều kiện kinh doanh được điều chỉnh thay vì bãi bỏ
 

Toàn cảnh Hội thảo Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018.

Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Tại hội nghị Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 31/7 tại Hà Nội, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thẳng thắn nhận định, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc rà soát pháp luật; điều chỉnh và cắt bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc không còn phù hợp với thực tiễn.

Song các con số cắt giảm liệu có thực chất hay không khi thực tế còn nhiều đề xuất được đưa ra chưa thực sự có tính cắt giảm và chỉ mới có một vài điểm nhỏ trong điều kiện kinh doanh được điều chỉnh thay vì bãi bỏ hoàn toàn. "Đây thực sự là điều đáng suy nghĩ!", ông Lộc nói.

Theo Báo cáo của VCCI, trung bình mỗi năm, các cơ quan Nhà nước Trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Có từ 10 đến 20 luật và khoảng 200 nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn lại là thông tư của các bộ và cơ quan ngang bộ. Mỗi văn bản đó, lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định... Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, chính quyền Trung ương có thể đưa ra hàng chục nghìn quy định có tác động đến các doanh nghiệp.

Ông Lộc nhận định, trong 2 năm qua, có thể nhìn thấy rất rõ một xu hướng chung là thể chế kinh tế đang ngày càng theo hướng kinh tế thị trường, các rào cản kinh doanh, sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường đang dần được gỡ bỏ. Đây là dòng chảy xuyên suốt trong chính sách kinh tế của Chính phủ nhiệm kỳ này.

Chính phủ đã thể hiện mạnh mẽ quan điểm thể chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, dường như việc chuyển các quan điểm này thành quy định pháp luật cụ thể còn khá hạn chế. Lý do chính được cho là nằm ở sự chủ động hay không của các bộ ngành, những cơ quan chịu trách nhiệm chắp bút trực tiếp cho các quy định pháp luật.

Tình trạng nói trên đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm 2018, với khá nhiều các văn bản pháp luật đã được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các văn bản ở cấp nghị định.

Đây là những vấn đề đã được các bộ ngành xác định từ những năm trước, đã có kế hoạch và đưa ra dự thảo để lấy ý kiến từ đầu năm 2017, nhưng phải đến đầu năm 2018 mới có thể ban hành. Nói một cách lạc quan, có thể coi 6 tháng đầu năm 2018 là giai đoạn chứng kiến những bước đầu tiên của việc “biến lời nói thành hành động”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đi vào chi tiết, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nêu rõ, những hành động để hiện thực hóa quyết tâm cải cách thể chế trong 6 tháng đầu năm 2018 là rất phong phú.

Đó có thể là những hành động “tấn công” trực diện vào những rào cản đối với các hoạt động của doanh nghiệp (là những điều kiện kinh doanh), đối với các sản phẩm cụ thể mà doanh nghiệp làm ra (là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa), hay đối với hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp (về quyền tự chủ, tự do kinh doanh)...

Đó cũng có thể là những hành động hướng tới việc giảm bớt gánh nặng quản lý hành chính Nhà nước dưới hình thức cải cách thủ tục hành chính hay cải cách quy trình quản lý quy hoạch ngành, vùng, địa bàn…

Cũng có thể là hành động nhằm thúc đẩy cạnh tranh công bằng, đáng tin cậy và được bảo vệ bởi công lý thông qua việc minh bạch hóa các bản án của Tòa án trong các vụ tranh chấp liên quan tới hoạt động kinh doanh.

Khi nói về những cải cách, không thể không nhắc tới những nghị định mới về điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Công Thương, đặc biệt là các Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí và Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, ông Tuấn nêu ví dụ điển hình.

Hay vấn đề tháo gỡ các điều kiện kinh doanh, thì những quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hoá và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng là trọng tâm cải cách pháp luật kinh doanh của Chính phủ phù hợp với kinh tế thị trường.

Đây cũng có thể coi là một dạng “giấy phép con”, áp dụng cho việc “gia nhập thị trường” của hàng hóa.

Đầu năm 2018, một số quy định có tác động lớn đến các doanh nghiệp liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá cũng đã được ban hành, mang đến làn gió cải cách đáng khích lệ cho lĩnh vực vốn rất bất cập nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức này, ông Tuấn nêu rõ.

Cụ thể như Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm. Đây thực sự là một "cuộc cách mạng" và mang đến những lợi ích to lớn cho hoạt động kinh doanh đối với các doanh nghiệp thực phẩm vốn đang rất vất vả với các thủ tục, quy trình về an toàn thực phẩm.

Hay như Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá...

Bên cạnh các xu hướng tích cực nhìn thấy rõ trong tiến trình cải cách pháp luật về đầu tư kinh doanh, trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018, vẫn còn một số văn bản khác cũng rất được chú ý, mặc dù không thấy thật rõ chiều hướng cải cách hay không, tuy nhiên, có tác động đáng kể tới hoạt động của doanh nghiệp, như Thông tư 13/2018/TT-NHNN về kiểm soát nội bộ ngân hàng, Nghị định 63/2008/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Cạnh tranh, Nghị định 09/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài.

Để hoạt động rà soát, điều chỉnh các điều kiện đầu tư kinh doanh của các bộ, ngành đi vào thực chất hơn nữa, cũng tại hội nghị, VCCI cũng đưa ra khuyến nghị: Tăng cường sự tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động rà soát pháp luật;

Tăng cường cơ chế kiểm soát (Điều này cho thấy, hoạt động rà soát của các cơ quan quản lý là hoạt động thực chất, thực sự muốn lắng nghe ý kiến của cộng đồng và doanh nghiệp đánh giá cao những động thái này); Thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh mà các bộ, ngành đề ra....

Kết thúc hội thảo, ông Lộc nhấn mạnh, với những thông điệp được nêu lên, đã góp thêm tiếng nói và thái độ của doanh nghiệp về những chính sách tốt, chưa tốt đã ban hành trong thời gian qua.

Từ đó, có sự biểu dương, hoan nghênh những văn bản pháp luật đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và những băn khoăn, quan ngại về những chính sách có tính chất cản trở. Đây cũng sẽ là những động lực để các cơ quan Nhà nước tiếp tục thực hiện cải cách hay nhìn lại chính sách để sửa đổi./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục