Còn vướng mắc trong triển khai cho vay thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa

10:39' - 09/04/2025
BNEWS Theo quy định chung, tín dụng dành riêng cho Đề án 1 triệu ha lúa cho vay với lãi suất thấp hơn khoảng 1 - 1,5% so với lãi suất trung bình đang cho vay.

Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng và ban hành chương trình cho vay ưu đãi theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thực hiện cho vay còn nhiều vướng mắc.

 
Theo ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 14, sau chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh giải pháp cân đối cung cầu, ổn định và phát triển bền vững thị trường lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng có những chỉ đạo triển khai hỗ trợ ngành hàng lúa gạo.

Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của ngành ngân hàng. Dư nợ tín dụng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến nay đạt hơn 1 triệu tỷ đồng; trong đó, dư nợ tín dụng nông nghiệp đạt 202.000 tỷ đồng, riêng ngành hàng lúa gạo chiếm 121.000 tỷ đồng.

Thông tin về tín dụng dành cho Đề án 1 triệu ha lúa, ông Trần Quốc Hà nhận định đây là chương trình cực kỳ tốt và hiệu quả nhưng còn nhiều vướng mắc. Đó là xác định định mức, xây dựng chuỗi liên kết giữa các bên liên quan để không phải thế chấp tài sản cho ngân hàng.

Theo quy định chung, tín dụng dành riêng cho Đề án 1 triệu ha lúa cho vay với lãi suất thấp hơn khoảng 1 - 1,5% so với lãi suất trung bình đang cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) làm thí điểm chương trình này. Mặc dù, đã triển khai từ năm 2024 nhưng đến nay nhiều quy định định mức chưa rõ.

Theo quy định, nếu cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thì Ngân hàng Agribank không sử dụng tài sản thế chấp, mà chỉ cần tài sản bảo đảm nợ vay. Chỉ cần UBND cấp xã xác nhận nông dân có tài sản hoạt động trong nông nghiệp, có phương tiện sản xuất là ngân hàng cho vay (ngân hàng giữ giấy tờ tài sản để tránh nông dân dùng tài sản này đi vay ngân hàng thương mại).

Ngoài ra, với Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, người dân có thể vay tín chấp tới 100 triệu đồng. Riêng hợp tác xã có thể vay 3 tỷ đồng không cần tài sản thế chấp nhưng phải có điều kiện là chứng minh được khả năng sử dụng vốn.

"Ngân hàng không đòi hỏi phải thế chấp tài sản nhưng doanh nghiệp phải chứng minh phương án sản xuất khả thi, hiệu quả và có khả năng hoàn trả", ông Hà thông tin.

Là ngân hàng thương mại chủ lực, cung ứng vốn cho thị trường nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là ngân hàng duy nhất được lựa chọn thí điểm cho vay phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa.

Theo ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), bên cạnh nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho đào tạo, tập huấn kỹ thuật, quản lý; nguồn vốn của Chính phủ, các cấp, các ngành, thì nguồn vốn tín dụng là rất quan trọng với các giai đoạn triển khai (thí điểm, chính thức).

Khi được giao nhiệm vụ, Agribank đã thành lập ban chỉ đạo và tích cực phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Ngân hàng Nhà nước để triển khai chính sách cho vay.

Cụ thể, Agribank đã áp dụng giảm tối thiểu 1% lãi suất đối với các cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp vay trong chuỗi liên kết. Một trong những điều kiện cứng để vay Đề án 1 triệu ha lúa là đối tượng phải tham gia chuỗi liên kết và phải nằm trong vùng chuyên canh lúa.

Phó Tổng giám đốc Agribank khẳng định: Nguồn vốn cho vay là không thiếu. Agribank đã đi khảo sát để tìm hiểu nhu cầu vay Đề án 1 triệu ha lúa và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu nhưng khó khăn là các tỉnh công bố vùng chuyên canh chưa đồng bộ, có tỉnh chưa công bố; các bên liên quan tham gia chuỗi liên kết chưa đồng nhất; các thành viên thuộc các hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu ha lúa vay vốn nhưng chưa minh bạch tài chính, tài chính vẫn còn manh mún.

Nguồn tín dụng đối với ngành lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 124.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 53% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc. Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, chương trình cho vay theo Đề án 1 triệu ha lúa được chia làm 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn thí điểm đến cuối năm 2025 do Agribank chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng. Thời hạn cho vay đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu từ sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong liên kết lúa gạo.

Theo bà Hà Thu Giang, các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn cùng nhóm.

Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Triển khai cho vay thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa sẽ hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo có thêm nguồn lực để phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, nâng cao giá trị, thu nhập và khẳng định vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục