Công cụ nào giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ thâm nhập thị trường toàn cầu?

13:49' - 17/01/2019
BNEWS Trong môi trường kinh tế số, những thách thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được giải quyết tốt hơn. Từ đó, tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp thâm nhập thị trường toàn cầu.
Hội thảo “APEC về tăng cường thương mại số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc tế tổ hội thảo “APEC về tăng cường thương mại số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 17 và 18/1, tại Hà Nội.

Tuyên bố chung của các Bộ trưởng APEC trong năm APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam chỉ ra rằng, sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào nền kinh tế kỹ thuật số sẽ thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và giảm bất bình đẳng. Hội thảo được tổ chức với định hướng triển khai một trong những sáng kiến quan trọng của Việt Nam trong năm APEC 2017 về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, nhờ có những tiến bộ công nghệ, sự phát triển của các nền tảng trực tuyến... trong môi trường kinh tế số, những thách thức và yếu điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được giải quyết tốt hơn. Từ đó, tạo ra những cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thâm nhập thị trường toàn cầu.

Với những thay đổi vượt xa các mô hình kinh doanh truyền thống, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ những năm qua chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp trong khu vực APEC. Các doanh nghiệp này cũng là bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong môi trường phát triển kinh doanh hiện đại, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực.

"Thương mại điện tử sẽ mang lại cơ hội cũng như có thể đối mặt với những thách thức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng họ có điều kiện tốt để đối diện những thách thức này để tham gia và thị trường toàn cầu", bà Lại Việt Anh đánh giá.

Chẳng hạn như dữ liệu tà nền tảng eBay cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng trực tuyến có khả năng xuất khẩu cao hơn 5 lần so với những người trong nền kinh tế truyền thống.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy một bộ phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn loay hoay, chưa khai thác tốt những cơ hội này. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang tụt hậu trong kỷ nguyên số. Thêm vào đó, khi số hóa, nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn thị trường và chưa theo kịp với những yêu cầu, do hạn chế về kiến thức, kỹ năng, mô hình kinh doanh và tính phức tạp ngày càng tăng.

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là những doanh nghiệp rất năng động, nhiệt huyết khi tham gia vào “trò chơi”, sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế”, bà Lại Việt Anh nói.

Để thực thi, phát triển thương mại điện tử, bà Hồ Thị Tố Uyên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng cần có khuôn khổ pháp lý. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý còn khá đa dạng và không đồng nhất giữa các nền kinh tế. Sự đa dạng về pháp lý giữa các nền kinh tế này làm tăng chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây lại là những doanh nghiệp còn hạn chế về nhiều nguồn lực, đặc biệt là tài chính.

Để giải quyết vấn đề này, bà Hồ Thị Tố Uyên cho rằng, cần gắn kết, hài hòa hóa các quy định luật pháp trong nước với luật pháp quốc tế. Đảm bảo thương mại điện tử giữa các quốc gia phải tương đồng lẫn nhau. Tính tương thích trong quy định luật pháp giữa các quốc gia đó là tham gia vào mạng lưới thực thi và thúc đẩy người tiêu dùng cũng như bảo vệ, bảo mật thông tin người tiêu dùng xuyên biên giới của APEC.

Ngoài ra, cần phải xây dựng nền tảng xử lý tranh chấp trực tuyến mang tính chất bền vững cho khu vực là điều quan trọng trong giải quyết những tranh chấp thương mại điện tử có thể xảy ra. Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vô cùng quan trọng. Đó là những quy định, chính sách mới về thương mại điện tử, thương mại số.

Tại hội thảo, các thành viên APEC chia sẻ kinh nghiệm và những bài học thành công, cũng như các rào cản gặp phải trong quá trình hoàn thiện môi trường pháp lý để ứng dụng thương mại số cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, cùng đưa ra các khuyến nghị lên APEC về các hoạt động cần triển khai để tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số trong APEC./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục