Công ty Ấn Độ giành hợp đồng quản lý sân bay 6 tỷ USD tại Indonesia

20:21' - 25/11/2021
BNEWS Thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD, bao gồm khoản đầu tư ít nhất 15.000 tỷ rupiah (1,05 tỷ USD) từ các đối tác chiến lược.

Công ty GMR Airports có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ) vừa thắng thầu để cùng quản lý và phát triển Sân bay quốc tế Kualanamu ở huyện Deli Serdang, tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia trong vòng 25 năm và muốn biến cơ sở này thành trung tâm hàng không khu vực.

GMR Airports và Công ty PT Angkasa Pura II (AP II) thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia sẽ thành lập một công ty liên doanh có tên là PT Angkasa Pura Aviasi để điều hành sân bay. Phía Indonesia sẽ sở hữu 51% cổ phần và phía Ấn Độ nắm giữ số cổ phần còn lại của liên doanh này.

Thỏa thuận trên trị giá 6 tỷ USD, bao gồm khoản đầu tư ít nhất 15.000 tỷ rupiah (1,05 tỷ USD) từ các đối tác chiến lược. Trong một tuyên bố, Giám đốc GMR Indonesia, ông K.V. Satyanarayana nói: “Chúng tôi cam kết biến sân bay Kualanamu thành trung tâm hàng không quốc tế cho miền Tây Indonesia”.

Sân bay Kualanamu đã đón hơn 10 triệu hành khách vào năm 2018 và AP II kỳ vọng quan hệ đối tác này sẽ giúp mở rộng công suất hàng năm của sân bay lên 17 triệu hành khách trong giai đoạn một của kế hoạch phát triển, 30 triệu hành khách trong giai đoạn hai và 42 triệu hành khách trong giai đoạn ba.

AP II không công bố mốc thời gian thực hiện dự án. Trong khi đó, Chủ tịch – Tổng giám đốc của AP II, ông Muhammad Awaluddin cho hay tất cả tài sản liên quan đến sân bay này sẽ được bàn giao cho AP II sau khi kết thúc thời hạn hợp tác 25 năm.

Nhà điều hành sân bay thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia đã kêu gọi đầu tư vào sân bay Kualanamu theo hình thức đối tác công tư hồi năm 2019 nhằm phục vụ nhiều du khách quốc tế hơn và cạnh tranh với sân bay Changi của Singapore và sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia.

Kualanamu gần với lục địa Đông Nam Á hơn Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta vốn đang là sân bay bận rộn nhất ở Indonesia. Tuy nhiên, các chuyến bay quốc tế hiện mới chỉ chiếm 11% tổng lưu lượng của sân bay Kualanamu. AP II đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 40-45% trong thơi gian tới.

Ông Awaluddin nhấn mạnh: “Sân bay quốc tế Kualanamu có vị trí rất chiến lược. Rất có thể biến nó thành trung tâm hàng không của Đông Nam Á. Với sự hợp tác này, Sân bay quốc tế Kualanamu có thể trở thành động lực kinh tế cho miền Tây Indonesia, đặc biệt là tỉnh Bắc Sumatra”.

GMR - nhà điều hành sân bay tư nhân lớn nhất ở châu Á – hiện đang quản lý nhiều sân bay ở New Delhi; sân bay Cebu ở Philippines; và sân bay trên đảo Crete của Hy Lạp… Sân bay Kualanamu đã nối lại các chuyến bay nội địa vào tháng 11/2020 sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế đi lại. Số lượng các chuyến bay quốc tế đến sân bay này đã sụt giảm hơn 70% vào năm ngoái do các hạn chế đi lại./. 

>>>Indonesia và Anh xây dựng chuỗi cung ứng pin ô tô điện ở mỗi nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục