CPTPP sẽ mang lại cho Anh lợi ích gì khi gia nhập?

07:01' - 12/02/2021
BNEWS Sau một năm rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh đã chính thức đề nghị tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Sau một năm rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh đã chính thức đề nghị tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và trở thành nước đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập nộp đơn đăng ký tham gia thỏa thuận này. Tiến trình đàm phán khởi động từ mùa Xuân này và dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2021.

* CPTPP và đề nghị gia nhập của Anh

CPTPP có tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là hiệp định thế hệ mới, được thiết kế để đi đầu trong chương trình nghị sự thương mại quốc tế và ứng phó hiệu quả với những thách thức của thế kỷ 21.

Ban đầu có 12 nước tham gia đàm phán TPP, song Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi đàm phán TPP năm 2017.

Hiệp định tiếp tục được 11 nước thành viên còn lại đàm phán gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, đổi tên thành CPTPP và ký kết năm 2018.

CPTPP là thị trường khổng lồ có tới 500 triệu dân, nắm giữ 13% GDP toàn cầu và 15% giao dịch thương mại của thế giới. Việc CPTPP đã đi vào thực thi trong 2 năm qua, không chỉ thúc đẩy thương mại, giúp các nền kinh tế hội tụ trong một mô hình kinh tế gắn kết để tạo ra một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, mà còn xóa bỏ các rào cản phi thuế quan và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Theo nghiên cứu của Viện Peterson, CPTPP được kỳ vọng sẽ tăng quy mô kinh tế hằng năm của các quốc gia thành viên thêm 147 tỷ USD.

Ngày 1/2, Anh đã đưa ra đề nghị chính thức về việc gia nhập CPTPP, nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối liên kết thương mại của nước này với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lời đề nghị được Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng phụ trách đàm phán CPTPP của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor.

Nhật Bản, nước Chủ tịch Hội đồng CPTPP năm 2021 đã hoan nghênh việc Anh chính thức đề nghị gia nhập CPTPP, coi đây là động lực mở rộng thương mại tự do dựa trên các quy định thương mại và đầu tư tiêu chuẩn cao. Ngày 2/2, 10 nước thành viên khác tham gia CPTPP cũng hoan nghênh sự tham gia của Anh vào hiệp định.

Sau khi Hội đồng CPTPP đồng ý bắt đầu quá trình đàm phán về việc Anh gia nhập, một nhóm công tác cấp chuyên viên sẽ được thành lập để tiến hành đàm phán.

Dự kiến, Anh sẽ bắt đầu đàm phán với các nước thành viên vào mùa Xuân này và trong quá trình đàm phán, Anh cần chứng minh rằng có thể tuân thủ các quy định của CPTPP, đồng thời phải đàm phán về thuế quan với các từng nước trong số 11 thành viên. Tiến trình đàm phán gia nhập CPTPP có thể hoàn tất sớm nhất vào cuối năm 2021.

* Lợi ích thiết thực

Việc đề nghị tham gia CPTTP của Anh được cho là nhằm tăng cường liên kết với các khu vực ngoài EU, đồng thời thực hiện chiến lược “nước Anh toàn cầu”, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ Anh cũng đặt nhiều hy vọng vào CPTPP. Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss đã bày tỏ tin tưởng rằng trở thành thành viên của Hiệp định sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thương mại của quốc gia này với khối CPTTP, vốn đã đạt trị giá 111 tỷ bảng (152 tỷ USD) vào năm 2020 và đạt mức tăng 8% mỗi năm kể từ 2016 tới nay.

Nếu trở thành thành viên của CPTTP, Anh có thể thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực thế mạnh là kỹ thuật và công nghệ, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng như ô tô, thực phẩm, đồ uống…, góp phần tạo thêm việc làm trong nước.

Sau khi rời khỏi EU, Anh gặp nhiều khó khăn khi quá trình lưu thông hàng hóa gặp trở ngại do các thủ tục thông quan, các doanh nghiệp cũng chịu gánh nặng lớn hơn về thuế quan.

Bên cạnh đó là "cú sốc" kinh tế do dịch COVID-19 gây ra trong dài hạn. Do đó, bằng việc đề nghị tham gia CPTTP, Chính phủ Anh muốn chứng tỏ rằng kết quả của Brexit là nước này có thể tự do đàm phán thương mại với các quốc gia và khu vực trên thế giới.

Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cũng cho rằng tư cách thành viên CPTPP sẽ giúp bổ trợ cho các hiệp định tự do thương mại mà nước Anh đã ký với Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Việt Nam sau khi quốc gia này rời EU.

Không chỉ đem lại lợi ích cho Anh, việc Anh đề nghị gia nhập CPTPP sẽ giúp nâng tỷ trọng của hiệp định này trong tổng GDP toàn cầu từ 13% lên 16%.

Đề cập về việc Anh xin gia nhập CPTPP, ông Tetsuya Watanabe, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, cho biết nếu nước Anh gia nhập CPTTP, trật tự thương mại quốc tế với tiêu chuẩn cao của CPTTP sẽ được lan rộng ra toàn cầu. Đây sẽ là một bước tiến quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn về địa chính trị cho hiệp định.

Nhật Bản, nước giữ ghế Chủ tịch Ủy ban CPTPP năm 2021, đang tìm cách duy trì mức độ tự do thương mại cao như một phần trong các yêu cầu về tư cách thành viên.

Việc bổ sung Vương quốc Anh, một nước ủng hộ thương mại tự do, làm thành viên đầu tiên trong quá trình mở rộng CPTPP sẽ hỗ trợ quan trọng cho các nỗ lực này.

Ngoài ra, với vị thế là một thị trường có sức mua lớn và tiềm lực tài chính mạnh, các nước thành viên CPTPP chưa có FTA với Anh mong muốn nước này tham gia Hiệp định để tránh cho sản phẩm của mình rơi vào thế bất lợi trên thị trường Anh.

Hơn nữa, việc một nước châu Âu đầu tiên gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá hiệp định như một tiêu chuẩn quốc tế về thương mại tự do và có thể trở thành “chất kích thích” gia tăng số lượng thành viên CPTTP. Hiện, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan đang quan tâm đến CPTPP.

Đáng chú ý nhất trong số những thành viên tiềm năng là Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giới quan sát cho rằng các nước thành viên CPTPP cũng như phía Chính phủ Anh đang hy vọng tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa nước Mỹ tham gia CPTPP./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục