Cung và cầu “vênh” nhau trên thị trường lao động

08:17' - 04/12/2020
BNEWS Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, người lao động có nhu cầu tìm việc, song cung và cầu vẫn còn “vênh” nhau. Doanh nghiệp khó tuyển, người lao động lại không tìm được việc làm như mong muốn.

Thời điểm này tại nhiều tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đang dần tăng trở lại để đáp ứng yêu cầu “tăng tốc” sản xuất, hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu và phục vụ thị trường trong nước dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Doanh nghiệp có nhu cầu nhưng khó tuyển lao động
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý IV năm nay, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố cần khoảng 62.000 - 65.000 lao động, tập trung ở các nhóm nghề: kinh doanh - thương mại, dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, chế biến lương thực - thực phẩm, dịch vụ phục vụ, công nghệ thông tin - bưu chính - viễn thông, điện - điện tử - điện lạnh…
Còn theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh), thị trường lao động chưa thể sôi động như cùng thời điểm những năm trước. Song, tại địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam này, trong những tháng cuối năm, nguồn cầu lao động đang có dấu hiệu khởi sắc.

Hiện, nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương rất lớn. Từ đầu năm 2020 đến nay, dù hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 song đã có trên 6.000 doanh nghiệp đến giao dịch tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương.

Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 106.500 lao động, trong đó lao động phổ thông chiếm trên 70%. Thu nhập của lao động tại tỉnh Bình Dương khá ổn định. Hiện tại, Bình Dương cơ bản đáp ứng được về nơi ở cho lao động nhập cư.

Để tạo thuận lợi cho người lao động, thu hút được nhân lực làm việc ổn định, một số doanh nghiệp lớn cũng đã có cả ký túc xá và nhà giữ trẻ cho công nhân và con của họ. Rất nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Bình Dương hiện thiếu lao động, mong muốn có đủ nguồn lao động có tay nghề để phục vụ sản xuất.
Ông Phan Thế Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Triệu Phú Lộc cho biết: Ngành sản xuất gỗ đang có cơ hội phát triển rất mạnh do đó nhu cầu về nhân lực, lao động giai đoạn này cũng tăng nhiều.

Riêng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Triệu Phú Lộc, nhu cầu về lao động tăng cao, từ tháng 5/2020 đến nay, nhu cầu về số lao động của doanh nghiệp đã tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành sản xuất, chế tác các mặt hàng gỗ đòi hỏi lao động có tay nghề cao và nhà máy sản xuất của công ty (ở xã Tân Lập, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) là khu vực hơi xa trung tâm, nên việc thu hút lao động còn gặp khó khăn.
Tương tự, tại Đồng Nai, theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, những tháng cuối năm 2020, thị trường lao động ở Đồng Nai sôi động hơn, doanh nghiệp ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất.

Nhu cầu tuyển lớn, song nguồn cung lao động tại Đồng Nai không đáp ứng đủ nhu cầu. Tại các sàn giao dịch việc làm gần đây, các doanh nghiệp chỉ tuyển được khoảng 10% số lao động mà doanh nghiệp có nhu cầu.

 

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía 
Thực tế thị trường lao động tại nhiều địa phương cho thấy, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, người lao động có nhu cầu tìm việc, song cung và cầu vẫn còn “vênh” nhau. Doanh nghiệp khó tuyển, người lao động lại không tìm được việc làm như mong muốn.
Phân tích về tình trạng này, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho rằng, nguyên nhân có thể xuất phát từ người lao động và cả doanh nghiệp tuyển dụng. Đó là, dù nhiều doanh nghiệp bắt đầu tuyển dụng trở lại, nhưng không đa dạng ngành nghề như trước đây mà chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất gỗ, sản xuất đế giày, điện tử…

Một số doanh nghiệp chưa có chế độ thu hút, “giữ chân” lao động thật sự. Trong khi đó, để thu hút được nguồn lao động thì các doanh nghiệp đang cạnh tranh gay gắt về những quyền lợi, chế độ phúc lợi để người lao động yên tâm làm việc lâu dài.
Còn về phía người lao động, một bộ phận trong lực lượng lao động đang tìm việc làm lại chưa hoặc không đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp về các yếu tố như độ tuổi, kỹ năng phù hợp với nghề. Một số người lao động nhất là lao động nữ cũng không muốn tìm việc làm ở nơi mới, cách xa nơi đang ở mà muốn tìm việc ở khu vực gần nơi đang sinh sống để thuận tiện hơn trong việc chăm sóc con nhỏ.

Hoặc có những lao động chấp nhận làm việc ở những khu vực có bán kính trên 10 km nhưng mong muốn có xe của doanh nghiệp đưa đón, nhưng trong thời điểm hiện nay, ít doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng có thể đáp ứng mong muốn này.
Để khắc phục tình trạng trên, các trung tâm dịch vụ việc làm ở các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhu cầu nhân lực lớn như Bình Dương, Đồng Nai đang tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu; tăng tần suất tổ chức sàn giao dịch việc làm tại trung tâm, sàn giao dịch việc làm trực tuyến; tiếp tục liên kết, cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh có lực lượng lao động cần việc, thông qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết: Ngay trong tháng 11 vừa qua, hai Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương và Nghệ An đã ký ghi nhớ hợp tác để đưa lao động từ tỉnh Nghệ An vào Bình Dương làm việc.

Hiện nay nguồn cung lao động của tỉnh Nghệ An khá dồi dào, đa dạng về trình độ, độ tuổi do đó đáp ứng tốt các yêu cầu cho các vị trí tuyển dụng từ lao động giản đơn cho đến có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Còn tại tỉnh Bình Dương, rất nhiều doanh nghiệp hiện thiếu lao động, mong muốn có đủ nguồn lao động có tay nghề để phục vụ cho sản xuất.
Bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động kết nối cung – cầu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để giải quyết tình trạng doanh nghiệp khó tuyển dụng, người lao động lại không tìm được việc làm, theo các chuyên gia, còn cần có sự nỗ lực của cả nhà tuyển dụng và người lao động đang tìm việc làm.

Về phía doanh nghiệp, cùng với việc có kế hoạch tuyển dụng phù hợp để thu hút nhân lực, nên quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của người lao động, có thêm các chế độ ưu đãi để người lao động cảm thấy yên tâm và có thể gắn bó lâu dài.
Đối với người lao động đang tìm việc làm, để có được việc làm tốt như mong muốn cần nỗ lực học hỏi nhiều hơn, trang bị những kỹ năng, kiến thức đáp ứng công việc theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trên thực tế, không bao giờ có cơ hội “việc nhẹ lương cao”.

Không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà về lâu dài, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và sẽ tác động mạnh đến thị trường lao động, người lao động cần thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các kĩ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa.
Bà Hoàng Thị Biên (Trường Đại học Lao động – Xã hội, Cơ sở II, tại Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Mỗi người lao động nên chủ động nắm bắt cơ hội, biết cách chuẩn bị các kỹ năng và kiến thức mới, đặc biệt chú trọng cách làm việc mới trong thời đại kỹ thuật số, không ngừng cập nhật và nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc./.

>>Nhiều hoạt động chăm lo người lao động dịp Tết Tân Sửu năm 2021


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục