Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Khi hiệu ứng không như kỳ vọng (Phần 2)

06:30' - 23/01/2019
BNEWS Số liệu ngoại thương thấp hơn dự kiến cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại, qua đó có thể làm tăng sức ép buộc Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung Quốc và áp lực ngoại thương

Áp lực của cuộc chiến thương mại đối với kinh tế Trung Quốc cũng không nhỏ. Theo báo “Liên hợp buổi sáng” của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, tổng giá trị xuất nhập khẩu ngoại thương cả năm của Trung Quốc năm 2018 lần đầu tiên vượt qua mức 30.000 tỷ NDT (4.443 tỷ USD), nhưng xuất nhập khẩu trong tháng 12/2018 đều giảm so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm lớn nhất trong hơn hai năm.

Giới phân tích kinh tế Trung Quốc cho rằng số liệu ngoại thương thấp hơn dự kiến cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại, qua đó có thể làm tăng sức ép buộc Trung Quốc phải đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Theo công bố ngày 14/1 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nếu định giá theo USD, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12/2018 đã giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước đó - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2016; trong khi nhập khẩu giảm 7,6% so với năm trước đó và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 7/2016. 

Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều thấp hơn nhiều so với ước tính trung bình của các nhà kinh tế. Trước đó, dự tính giá trị xuất khẩu tháng 12/2018 của Trung Quốc theo khảo sát của Reuters tăng 3% và dự tính nhập khẩu tăng trưởng trung bình là 5%.

Người phát ngôn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ phân tích thống kê Lý Khôi Văn (Li Kuiwen) chỉ ra rằng trong năm nay môi trường bên ngoài rất phức tạp, những nhân tố bất định và bất ổn vẫn rất nhiều.

Chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương ở một số nước đang gia tăng, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể chậm lại, thương mại và đầu tư xuyên quốc gia có thể bị liên lụy, đây là mối lo ngại lớn nhất về phát triển ngoại thương của Trung Quốc. Cùng với các yếu tố khách quan như sự gia tăng theo cơ số, tốc độ tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc năm 2019 “có thể sẽ chậm lại”.

Wan Zhe, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn Vàng quốc gia Trung Quốc, cho biết tổng giá trị xuất nhập khẩu ngoại thương của Trung Quốc trong cả năm đạt mức cao kỷ lục, điều này cho thấy nhu cầu chung của thị trường không yếu.

Trong tháng 11 và tháng 12/2018, số liệu thương mại xuất nhập khẩu giảm theo dạng “vách đá”, chủ yếu liên quan đến “cơn sốt thương mại” và do cuộc chiến thương mại leo thang, tác động đến kỳ vọng của thị trường.

Cái gọi là “cơn sốt thương mại” đề cập ở trên là trước đó các nhà xuất nhập khẩu lo ngại về sự suy thoái của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, do đó, họ sẽ “giành lấy xuất khẩu”, “giành lấy nhập khẩu” trước khi tăng thuế. Đến tháng 12/2018, hiệu ứng đã ào ạt lắng xuống.

Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á của Viện Kinh tế Oxford ở Hong Kong, cho rằng số liệu thương mại xấu có khả năng khiến Trung Quốc chịu nhiều sức ép hơn và cần đạt được thỏa thuận với Mỹ, hoặc ít nhất là tạm thời dỡ bỏ mức thuế cao. Bên cạnh đó, theo xu hướng của nền kinh tế và thị trường tài chính, so với vài tháng trước, Mỹ cũng phải đối mặt với nhiều sức ép hơn trong việc hòa hoãn cục diện thương mại chặt chẽ hiện nay.

Các cuộc đàm phán thương mại cấp thứ trưởng Mỹ-Trung đã kết thúc vào tuần trước tại Bắc Kinh và hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có thể sẽ tới Washington vào cuối tháng này để tiếp tục đàm phán thương mại giữa hai nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục