IMF: Chiến tranh thương mại gây tác hại cho nền kinh tế thế giới

05:30' - 20/10/2018
BNEWS Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố những dự báo tăng trưởng trong 2 năm 2018 và 2019, nhấn mạnh chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đang gây tác hại cho nền kinh tế thế giới.
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Dự báo nói trên được đưa ra trước khi khai mạc kỳ họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bali, Indonesia, ngày 9/10. 

Trọng tâm thảo luận giữa các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tác hại lên tăng trưởng kinh tế.

Riêng về Trung Quốc, theo dự báo của IMF, tăng trưởng nước này trong năm 2019 sẽ sụt giảm còn 6,2% do hậu quả của chiến tranh thương mại với Mỹ. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde nhận định: “Đây chính là kịch bản tệ hại nhất theo dự báo của IMF. 

Tỷ lệ tăng trưởng giảm xuống còn 6,2% là mức thấp nhất của kinh tế Trung Quốc kể từ năm 1990. Trong thời gian trước mắt, Trung Quốc sẽ thua thiệt hơn rất nhiều so với Mỹ trong cuộc đọ sức này. 

Chỉ cần nhìn nét mặt của Ngoại trưởng Trung Quốc khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ ở Bắc Kinh là đủ biết đây không còn là một cuộc chiến tranh lạnh, mà đã trở thành một cuộc xung đột gay gắt, với những hậu quả trực tiếp trên các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu ở bờ phía Đông Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng dệt may, lốp xe, đậu nành. 

Những dự báo của IMF khác hẳn với thái độ lạc quan thể hiện qua các bài diễn văn. Báo chí chính thức trong thời qua luôn khẳng định kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định, không có gì phải lo ngại, thậm chí hô lại những khẩu hiệu của thời Mao Trạch Đông về khả năng tự cung và tự phát triển của Trung Quốc. 

Trước những hành động ‘khiêu khích’, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc phát triển trí thông minh nhân tạo để giành chiến thắng trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư và trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, như ghi nhận của tờ South China Morning Post ở Hong Kong ngày 8/10. Còn tác giả bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu khuyên Trung Quốc nên giữ bình tĩnh đối với Mỹ. 

Nhưng thái độ lạc quan này ngày càng khó mà khỏa lấp được những căng thẳng trong nội bộ chính quyền Bắc Kinh giữa một bên là những người chủ trương tăng cường sự phụ thuộc của nền kinh tế các định chế công và bên kia là những người muốn đẩy mạnh mở cửa kinh tế. 

Nếu những dự báo bi quan của IMF trở thành hiện thực, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể rơi xuống còn 4,6%, mức thấp chưa từng có kể từ khi nước này bắt đầu công nghiệp hóa”.

Theo dự báo mới của IMF, tổng sản phẩm toàn cầu trong hai năm 2018 và 2019 sẽ chỉ tăng 3,7%, thấp hơn 0,2 điểm so với dự báo trước đây.

Việc hạ giảm dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới của IMF phản ánh sự tổng hợp của các yếu tố, bao gồm việc áp dụng các biểu thuế nhập khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc, hoạt động yếu hơn của các nền kinh tế các nước khu vực đồng euro, Anh và Nhật Bản, và lãi suất tăng đang gây áp lực lên dòng vốn ở một số thị trường mới nổi, đặc biệt là Argentina, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Indonesia và Mexico. 

Kinh tế gia trưởng của IMF, ông Maurice Obstfeld cho biết trong một tuyên bố rằng: “Tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ giảm một khi các biện pháp kích thích tài chính bắt đầu hết tác dụng. Bất chấp đà tăng của mức cầu hiện tại, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng 2019 của Mỹ do các biểu thuế nhập khẩu mới ban hành gần đây đối với một loạt hàng hóa của Trung Quốc và việc trả đũa của Trung Quốc".

Với nhiều tác động từ chiến tranh thuế quan Mỹ-Trung Quốc sẽ thấy rõ trong năm tới, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng 2019 của Mỹ xuống 2,5% từ mức 2,7% trước đó. Nếu Trung Quốc và Mỹ giải quyết được các mâu thuẫn thương mại, đó sẽ là một lực đẩy đáng kể cho tăng trưởng. 

Dự báo tăng trưởng năm 2018 của khu vực đồng euro đã giảm xuống còn 2,0% từ mức 2,2% trước đó, với việc Đức đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm trong các đơn đặt hàng và khối lượng thương mại.

Brazil sẽ giảm 0,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP xuống 1,4% trong năm 2018. Iran, trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ vào tháng tới, cũng được dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm. Các nước xuất khẩu năng lượng có dự báo tăng trưởng tốt tốt do giá dầu tăng cao.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia và Nga tiếp tục tăng. IMF cũng hạ mức tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản xuống còn 1,1% trong năm nay, giảm 0,1% so với ước tính hồi tháng Tư, song vẫn duy trì mức dự báo 0,9% trong năm tới. Còn nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ lần lượt đạt 7,3% và 7,4% trong năm nay và năm 2019.

Trong khi đó, thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay, thấp hơn gần 1% so với dự báo hồi tháng Tư vừa qua. Đối với năm tới, thương mại toàn cầu dự báo sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 4%, thấp hơn 0,5% so với ước tính trước đó.

IMF đặc biệt cảnh báo những rủi ro vốn được từng được nêu bật trong các báo cáo trước đó "đang ngày càng trở nên rõ rệt hay đã hiện thực hóa một phần" trong thế giới thực. Theo báo cáo, căng thẳng thương mại leo thang là một thách thức lớn đối với nền kinh tế thế giới khi "những tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ đang dần biến thành hành động". 

Căng thẳng thương mại gia tăng xuất phát từ phía Mỹ đã kéo theo hàng loạt các biện pháp thuế "ăn miếng trả miếng" giữa các đối tác thương mại lớn, tác động không nhỏ tới Trung Quốc, các nền kinh tế châu Á và các quốc gia dễ bị tổn thương khác như Argentina, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.

IMF cảnh báo tình trạng bất ổn do tranh chấp thương mại gây ra có thể khiến các doanh nghiệp tạm ngừng hoặc chấm dứt rót vốn, khiến hoạt động đầu tư sụt giảm. Nếu điều này vẫn tiếp diễn, căng thẳng thương mại sẽ leo thang tới mức kéo theo những rủi ro mang tính hệ thống đối với nền kinh tế toàn cầu. 

Do đó, thể chế tài chính này kêu gọi chính phủ các nước tập trung xây dựng các chính sách có thể chia sẻ những lợi ích tăng trưởng một cách rộng rãi hơn, cũng như giúp giải quyết tình trạng mất niềm tin ngày càng gia tăng đối với các thể chế. IMF cũng nhấn mạnh cần có "các giải pháp mang tính phối hợp" nhằm đảm bảo tăng trưởng thương mại tiếp tục là một yếu tố then chốt để duy trì và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục