Cuộc đọ sức về cách mạng năng lượng mới giữa Mỹ và Trung Quốc

05:30' - 13/05/2021
BNEWS Tháng 4/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố mục tiêu giảm phát thải mới của Mỹ. Theo đó, lượng phát thải carbon năm 2030 được kỳ vọng sẽ thấp hơn hồi năm 2005 từ 50-52%.

Về cơ bản, mục tiêu này cao gấp đôi mục tiêu giảm lượng khí phát thải khi cựu Tổng thống Barack Obama ký "Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu".

Thời điểm đó, nước Mỹ cam kết cắt giảm lượng khí phát thải từ 25-28% vào năm 2025. Dưới góc độ tái cấu trúc chính sách đối nội và đối ngoại của ông Joe Biden, bắt đầu từ Hội nghị thượng đỉnh khí hậu ở Nhà Trắng lần này, lấy hội nghị khí hậu Glasgow làm mốc thời gian, Mỹ và Trung Quốc sẽ khởi động một cuộc đọ sức 10 năm trên lĩnh vực khí hậu. 

Theo phương án của ông Joe Biden, Mỹ muốn thực hiện mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Dưới sự lôi kéo và sức ép của Mỹ, các nước như Nhật Bản, Canada… đều nâng cao mức độ cắt giảm phát thải, đồng thời đưa ra cam kết cắt giảm phát thải từ 40-50%. Tuy nhiên, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga không đưa ra mục tiêu cắt giảm phát thải mới.

Nếu nói Hội nghị khí hậu Copenhagen năm 2009 là sự kiện thể hiện rõ yếu tố tranh giành giữa các nền kinh tế phát triển do Mỹ, châu Âu đại diện và các nền kinh tế mới nổi do Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil đại diện, thì hợp tác và đọ sức về khí hậu trong giai đoạn tới sẽ thể hiện rõ hơn sự cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc trên lĩnh vực cách mạng năng lượng mới ở trong lẫn ngoài nước. 

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, ý thức hệ và xung đột lợi ích quốc gia ngày càng gay gắt, mặc dù biến đổi khí hậu có thể khơi thông quan hệ Mỹ-Trung, việc bị ràng buộc bởi giai đoạn phát triển và tính toán lợi ích khác nhau rõ ràng đã trở thành chiến trường mới của cuộc đọ sức Mỹ-Trung.

Lập trường của Mỹ về vấn đề khí hậu không ổn định, chính sách thay đổi liên tục, đặc biệt các Tổng thống thuộc phái bảo thủ hoài nghi tính khoa học và tính cấp thiết về vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu của Mỹ. Ở mức độ nhất định, việc Cựu Tổng thống Bush và Donald Trump lần lượt rút khỏi "Nghị định thư Kyoto" và "Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu" do chính quyền phái tự do ký trước đó đã khiến cho Mỹ mất đi vai trò lãnh đạo về vấn đề khí hậu.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị biến đổi khí hậu lần này do ông Joe Biden chủ trì là sự kéo dài chính sách ngoại giao đồng minh và quan điểm giá trị trong giai đoạn gần đây nhằm lấy lại tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, định hình lại vai trò lãnh đạo của Mỹ, kiểm soát quyền phát ngôn về vấn đề khí hậu, đồng thời gắn chặt kinh tế năng lượng mới với đầu tư trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.

Trong khi đó, khác với sự dao động và mất uy tín của Mỹ trong vấn đề khí hậu, Trung Quốc tích cực và chủ động hơn trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, hơn nữa tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết của mình.

Từ "Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu" năm 1994, đến "Nghị định thư Kyoto" năm 1997, rồi đến "Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu" năm 2015, tâm thế ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu của Bắc Kinh đã chuyển từ tham gia bị động sang tích cực tham gia.

Một Trung Quốc thông qua ngoại giao đa phương thúc đẩy "Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu" năm 2015 đã khác với Trung Quốc tranh luận gay gắt, từ chối nhượng bộ Mỹ tại Hội nghị khí hậu Copenhagen của Liên hợp quốc năm 2009. Cùng với vấn đề quản trị khí hậu toàn cầu được đưa vào Hiến pháp và các văn kiện chính sách, Bắc Kinh hiện nay đã chuyển từ bên tích cực tham gia sang bên dẫn dắt tích cực.

Ngay từ trước khi ông Joe Biden lên cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhanh chóng đi trước, với tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh "Tham vọng khí hậu" năm 2020 rằng đến năm 2030, cường độ phát thải khí CO2 trên một đơn vị GDP của Trung Quốc sẽ giảm trên 65% so với năm 2005, năng lượng phi hóa thạch sẽ chiếm khoảng 25% tỷ trọng tiêu thụ năng lượng cấp một. Tất cả đều đã thể hiện mong muốn chủ quan và ý thức chủ động trong việc ứng ứng phó biến đổi khí hậu của Trung Quốc.   

Từ việc đưa văn minh sinh thái vào "Quy hoạch 5 năm lần thứ 13" đến hoạch định riêng năng lượng và điện lực ứng phó biến đổi khí hậu trong "Quy hoạch 5 năm lần thứ 14", rồi đến kiên trì tuân thủ cam kết của "Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu" và kết nối "hai mục tiêu trăm năm", có thể thấy rằng Chính phủ Trung Quốc đã xác định ứng phó biến đổi khí hậu là một công trình chiến lược. Năm 2018, Trung Quốc đã thành lập Bộ Sinh thái và môi trường, duy trì phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao về vấn đề khí hậu. 

Những thay đổi lớn của Trung Quốc trong 10 năm ngắn ngủi này không phải do áp lực bên ngoài, sức ép giảm phát thải của Mỹ, mà là sự điều chỉnh chiến lược dựa vào nhu cầu bên trong và bên ngoài, cũng như sự thay đổi của môi trường Trung Quốc. Một mặt, nhu cầu của người dân Trung Quốc đối với chất lượng môi trường và không khí, mưu cầu hạnh phúc cuộc sống đều tăng lên.

Mặt khác, theo quan điểm của Chính phủ Trung Quốc, phát triển xã hội, quản trị môi trường, tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu liên quan mật thiết với nhau, ứng phó biến đổi khí hậu cũng là quá trình quản trị quốc gia. Do đó, việc thực hiện các cam kết liên quan cũng phù hợp với nhu cầu phát triển bên trong của Trung Quốc. 

Trên thực tế, biến đổi khí hậu về cơ bản cũng là vấn đề kinh tế. Kinh tế carbon, việc làm xanh, kinh tế xanh đã trở thành chủ đề mới trong cạnh tranh quốc tế. Đặc biệt, sau khi trải qua giai đoạn khó khăn về phát triển kinh tế, Mỹ và châu Âu đều đang tìm kiếm mô hình tăng trưởng kinh tế mới trong thời đại hậu dầu mỏ và hậu dịch bệnh.

Tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu do ông Joe Biden chủ trì, Bộ trưởng Tài chính Mỹ tuyên bố thành lập "Trung tâm khí hậu" và bổ nhiệm "cố vấn khí hậu" đầu tiên để điều tiết tổng thể các chính sách kinh tế ứng phó biến đổi khí hậu.     

Do đó, cuộc đọ sức địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trên lĩnh vực kinh tế thương mại truyền thống, cũng sẽ được thể hiện rõ nét ở vấn đề khí hậu.

Mỹ luôn không hài lòng đối với lập trường giảm phát thải của Trung Quốc. Để gia tăng sức ép, không loại trừ khả năng Washington sẽ áp thuế bổ sung đối với ô tô sử dụng năng lượng mới và thiết bị năng lượng tái sinh của Trung Quốc, đồng thời tăng cường ngăn cản hoạt động đầu tư vào các dự án than ở nước ngoài thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Hiện nay, các phương tiện truyền thông Mỹ đã để mắt đến việc tấm pin năng lượng Mặt Trời sản xuất ở Tân Cương. Mỹ muốn sử dụng vấn đề khí hậu để ngăn chặn quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng mới, tranh thủ thời gian để thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng mới của mình. 

Nếu như các nền kinh tế mới nổi bao gồm Trung Quốc đã bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp từng giúp các nền kinh tế phát triển phương Tây hưởng lợi, thì những nước này chắc chắn sẽ không thể đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp mới với chủ đề chính là nền kinh tế năng lượng xanh.

Do đó, hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow vào tháng 11 năm nay sẽ là hội nghị rất khác biệt. Trong 10 năm tới sẽ là thời kỳ then chốt của việc phát triển nền kinh tế năng lượng mới. Do đó, việc đặt ra các chỉ tiêu giảm phát thải để ứng phó biến đổi khí hậu sẽ trực tiếp liên quan đến tranh chấp quyền lãnh đạo và quyền phát ngôn giữa Mỹ và Trung Quốc. Nước nào có thể dẫn dắt cuộc cách mạng này thì nước đó có thể giành được ưu thế trong cuộc đọ sức địa chính trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục