Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh sẽ làm thay đổi châu Âu

15:40' - 23/06/2016
BNEWS Một số người cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở nước Anh cũng là cơ hội để thúc đẩy một hiệp ước EU mới với kết cấu hai lớp - gồm những quốc gia chủ chốt gắn kết nhiều hơn và các quốc gia ngoại vi.
Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh sẽ làm thay đổi châu Âu.Ảnh: businessadvice

Theo tờ "Wall Street Journal" số ra mới đây, bất luận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 là nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay ở lại khối này, EU vẫn sẽ thay đổi.

Hồi tháng 2/2016, Thủ tướng Anh David Cameron đã ký một thỏa thuận với những nước còn lại trong EU về việc hạn chế phúc lợi dành cho người nhập cư và tách nước Anh khỏi nỗ lực chung của cả khối nhằm hình thành một liên minh gắn kết hơn bao giờ hết.

Một số chính khác châu Âu đã hứa với cử tri là sẽ học tập những nỗ lực của ông Cameron nhằm giảm bớt quyền lực của Brussels đồng thời tiến hành trưng cầu dân ý ở trong nước.

Một số người cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở nước Anh cũng là cơ hội để thúc đẩy một hiệp ước EU mới với kết cấu hai lớp - gồm những quốc gia chủ chốt gắn kết nhiều hơn và các quốc gia ngoại vi chưa gắn kết.

Nếu người dân Anh bỏ phiếu đòi rút khỏi EU, điều này sẽ dẫn tới những thay đổi lớn, cùng với nhiều bất ổn. Fredrik Reinfeldt, cựu Thủ tướng Thụy Điển từ năm 2006 đến 2014, cho biết kết quả bỏ phiếu "ra đi" "sẽ làm suy yếu EU và khiến liên minh này trở nên thiếu cân đối.

Một ẩn số lớn là có bao nhiêu nước sẽ noi gương nước Anh. Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew mới được công bố trong tháng này cho thấy ở nhiều nước, tỷ lệ không tán thành việc ở lại EU cao bằng hoặc thậm chí cao hơn cả ở Anh.

Ở Hà Lan, tỷ lệ này là 46%, ở Đức và Anh là 48%; ở Tây Ban Nha là 49%; và Pháp là 61%. Michael Gove, Bộ trưởng Tư pháp Anh, người đang vận động việc rời khỏi EU, cho rằng sự ra đi của nước Anh có thể khuấy động một phong trào giải phóng dân chủ cho toàn bộ lục địa.

Cả Pháp và Hà Lan đều tổ chức bầu cử vào mùa Xuân năm sau. Đảng Mặt trận Dân tộc của Marine Le Pen ở Pháp và Đảng Tự do của Geert Wilders ở Hà Lan đều đang có uy tín khá cao. Cả hai chính trị gia này đều phát biểu về việc tiến hành trưng cầu dân ý. Mới trong tháng này, ông Wilders đã nói rằng lá phiếu "ra đi" của Anh sẽ tạo ra "một mùa Xuân yêu nước" kết liễu EU.

Những quan điểm như trên không nhận được sự tán thành của các chính khách thuộc những đảng được thành lập từ lâu ở lục địa này, thay vào đó những chính khách này muốn cải tổ phương thức hoạt động của EU. Theo quan điểm của họ, việc trở lại một châu Âu gồm những quốc gia riêng rẽ sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra những cuộc xung đột thảm khốc.

Wolfgang Schüssel, Thủ tướng Áo từ năm 2000 đến 2007, cho rằng cú sốc kinh tế mà nước Anh sẽ phải gánh chịu nếu rời khỏi EU sẽ có tác dụng cản trở các quốc gia khác theo gót nước Anh. Ông nói: "Là một nhà kinh tế, tôi tin rằng nền kinh tế Anh sẽ phải chịu những tổn thất nghiêm trọng trong thời gian trước mắt nếu quyết định rời EU".

Hiện tại, cả Paris và Berlin đều chưa công bố kế hoạch chuẩn bị cho tình huống "Brexit". Thay vào đó, các quan chức chóp bu cho biết họ đang bàn về một loạt phương án như nỗ lực phối hợp chung của EU để đối phó với các mối đe dọa an ninh, thúc đẩy hợp tác quốc phòng và khôi phục dự án lập thị trường viễn thông chung trên toàn EU cũng như đề ra các quy định chung về bản quyền.

Trong bối cảnh Pháp và Đức sẽ tiến hành bầu cử vào năm sau, các quan chức và nhà ngoại giao cấp cao cho rằng sẽ không thể bàn thảo về bất kỳ nỗ lực nào nhằm củng cố liên minh tiền tệ và tài chính trong Eurozone bằng cách huy động thêm nguồn lực hay đề ra những quy định chung về kinh tế khắt khe hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục