Đa dạng giải pháp quảng bá và tiêu thụ hàng Việt

10:09' - 07/12/2022
BNEWS Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào cuộc sống của mỗi người dân Vĩnh Phúc, qua đó hàng nhập ngoại đã được hạn chế và tỷ lệ mua sắm hàng Việt ngày càng tăng.

Bằng nhiều giải pháp tích cực, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào cuộc sống của mỗi người dân, khi sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất, chất lượng, giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Cùng đó, hàng nhập ngoại đã được hạn chế và tỷ lệ mua sắm hàng Việt tại tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Uỷ viên ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức, địa phương, đơn vị trên địa bàn đã có cách làm sáng tạo, góp phần nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin người tiêu dùng trong nước.

“Cuộc vận động đã tạo chuyển biến trong ý thức của người tiêu dùng  và nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp; chương trình khuyến mại, hội chợ, triển lãm... đã giúp cho người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp với sản phẩm của doanh nghiệp trong nước sản xuất, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển”, ông Nguyễn Tuấn Khanh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng ở một số nơi vẫn tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động; phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị, doanh nghiệp có nơi còn chậm, chưa thường xuyên và một số nội dung phối hợp còn hạn chế.

 

Hơn nữa, một số người dân vẫn còn có thói quen tiêu dùng sính hàng ngoại, giá rẻ, mẫu mã đẹp do đó ảnh hưởng đến ý nghĩa của cuộc vận động. Thực hiện nhiệm vụ của thành viên Ban chỉ đạo trong kiểm tra, giám sát triển khai Cuộc vận động có lúc chưa được thường xuyên.

Theo ông Lê Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, bám sát chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung vào các chương trình lớn như đẩy mạnh tuyên truyền về thủ đoạn phương thức buôn bán hàng giả để người dân biết, cảnh báo và ngăn chặn.

Ngoài ra, Cục cũng xây dựng chương trình tuyên truyền riêng trên Truyền hình Vĩnh Phúc và Cổng Thông tin điện tử tỉnh; trong đó, công khai điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh những vướng mắc đến các cơ quan chức năng.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh,việc triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn khó khăn do thu nhập bình quân đầu người còn thấp nên người dân còn chưa ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, hàng hóa trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hàng công nghiệp, còn ít sản phẩm nông nghiệp. Sản lượng và mẫu mã sản phẩm chưa hấp dẫn người tiêu dùng.

Vì vậy, để thúc đẩy triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới, yếu tố cốt lõi là làm để hàng Việt Nam chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam.

Chia sẻ bí quyết giúp hàng Việt Nam lan tỏa tốt hơn ở địa phương, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, một trong những điểm đáng ghi nhận của Vĩnh Phúc luôn tạo điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cùng đó, việc vận động sử dụng hàng Việt trên địa bàn tỉnh thời gian qua tương đối tốt; sức mạnh của mạng lưới phân phối hàng Việt của Vĩnh Phúc luôn sẵn sàng mọi tình huống.

Thời gian qua, ngành công thương Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp kết nối doanh nghiệp vào kênh phân phối nhưng sự kết hợp liên ngành giữa Trung ương và địa phương, giữa các còn thấp.

Do đó, bà Lê Việt Nga cho rằng, cần tăng tính liên kết giữa Trung ương và địa phương. Đặc biệt, tỉnh đang có thế mạnh tạo điều kiện kinh doanh tốt song dư địa để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào các chương trình hỗ trợ.

Hơn nữa, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp đến sản xuất kinh doanh nên Bộ Công Thương mong muốn Vĩnh Phúc có nhiều chương trình liên kết để đưa hàng Việt sang các địa phương khác hoặc đưa hàng từ các tỉnh khác về phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, cần liên kết mạnh hơn giữa thương mại, công nghiệp, du lịch, văn hóa. Ví dụ, Tam Đảo là điểm du lịch lớn của tỉnh nhưng vẫn thiếu các điểm dừng chân để du khách có thể dừng lại mua hàng hóa

Đồng thời, cần tận dụng thế mạnh của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ trong xây dựng các mô hình liên kết kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là giải pháp để liên kết thu mua, tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân.

Thêm nữa, cần xây dựng tốt hơn nữa khối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp FDI; doanh nghiệp nhỏ với nhau để tăng năng lực sản xuất kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục