Đa dạng kênh kích cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm địa phương

15:00' - 17/03/2021
BNEWS Đồng hành cùng các tổ chức, nhà bán lẻ... người tiêu dùng ở Tp. Hồ Chí Minh cũng chủ động tăng cường mua sắm nông sản thực phẩm, những sản phẩm của nhiều địa phương đang cần được tiêu thụ.
Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, nhiều nhà bán lẻ, tổ chức, cá nhân... tại Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai đa dạng hoạt động kích cầu tiêu dùng nông sản thực phẩm để tạo đầu ra cho những sản phẩm này và giúp bà con nông dân nhiều địa phương thu hồi vốn sản xuất. Đồng hành cùng những đơn vị này, nhiều người tiêu dùng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng chủ động tăng cường mua sắm những sản phẩm địa phương đang cần được tiêu thụ.

*Đưa sản phẩm vào khu dân cư

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Tuyết Mai, cư ngụ tại Thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ lâu gia đình đã dần chuyển sang lối sống xanh, nên chủ yếu tiêu dùng nông sản thực phẩm, rau củ, quả... trong bữa ăn hàng ngày. Do đó, khi có thông tin sản phẩm bắp cải trắng Đà Lạt cần được giải cứu và mặt hàng này có thể bảo quản trong thời gian dài nên gia đình đã mua sắm với số lượng lớn bình thường để chung tay kích cầu tiêu dùng.

Còn anh Văn Sơn, cư ngụ tại quận 2, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trong đời sống hàng ngày, rau củ, quả là một trong những loại thực phẩm không thể thiếu đối với các gia đình. Nên thay vì mua sắm, tiêu dùng theo sở thích, thói quen, gia đình chú trọng tăng cường tiêu thụ những sản phẩm thực phẩm nông sản cần được giải cứu. Điều này, không chỉ giúp người nông dân các địa phương thu hồi vốn sản xuất, mà người dân còn được hưởng lợi khi sản phẩm được nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh kiểm soát chất lượng, nhưng giá bán rất phải chăng.

Theo một số người tiêu dùng khác tại Tp. Hồ Chí Minh, sản phẩm nông sản thực phẩm không chỉ có thể sử dụng tươi sống, mà còn được dùng chế biến thực phẩm và bảo quản trong thời gian dài. Đơn cử, ngoài phục vụ cho bữa ăn hàng ngày như nấu canh, xào, luộc... thì bắp cải thảo còn được dùng phổ biến trong chế biến kim chi và có thể để dành tiêu dùng trong khoảng hơn một tháng.

Hiện nay, tại Tp. Hồ Chí Minh và khu vực các tỉnh, thành lân cận đang bước vào mùa nắng nóng, nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm tươi sống của người dân cũng tăng cao hơn những thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên, bài toán đặt ra cho việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản là làm sao để nhập hàng hóa vào thị trường Tp. Hồ Chí Minh vừa đảm bảo chất lượng, vừa có giá cả ưu đãi mới đảm bảo kích cầu tiêu dùng.

Bà Văn Minh Hoa, đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh - một trong những đơn vị tham gia giải cứu sản phẩm bưởi Đào của tỉnh Đồng Nai cho biết, nhằm đa dạng kênh kích cầu tiêu thụ mặt hàng nông sản thực phẩm, ngoài những kênh phân phối bán lẻ hiện đại, mạng lưới chợ truyền thống... cần đưa sản phẩm vào khu dân cư và đến tận tay người tiêu dùng. Việc hỗ trợ người nông dân đưa hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng sẽ góp phần giúp họ nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng và khảo sát thị trường, hạn chế tình trạng được mùa rớt giá.

Cụ thể, đối với sản phẩm bưởi Đào của tỉnh Đồng Nai, sau khi phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức điểm bán tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, số 121 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Ban quản trị chung cư Giai Việt, số 854 Tạ Quang Bửu, quận 8. Tp. Hồ Chí Minh tổ chức giải cứu mặt hàng này; trong đó, mọi chi phí chuẩn bị cho nông dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đưa bưởi Đào vào điểm bán là do Ban quản trị chung cư Giai Việt hỗ trợ và xem như một phần đóng góp giúp đỡ bà con nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó ban Thường trực Ban quản trị khối A1.1 chung cư Giai Việt, qua thông tin trên truyền thông và có thư kêu gọi sự giúp đỡ các tổ chức cùng chung tay tiêu thụ bưởi Đào nên Ban quản trị chung cư Giai Việt đã vào cuộc tham gia giải cứu cho bà con nông dân. Ngoài ra, đại diện Ban quản trị chung cư Giai Việt cũng đến tận vườn để tham quan thực tế và đưa ra những kênh hỗ trợ phù hợp.

*Bán hàng với giá ưu đãi

Bên cạnh những tổ chức, cá nhân... vào cuộc hỗ trợ người nông dân các địa phương tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, nhất là giải pháp đưa hàng hóa nhập vào thị trường Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ, nhiều nhà bán lẻ trên địa bàn bàn cũng đang phát huy vai trò là cánh tay nối dài của hàng Việt. Điển hình, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) triển khai chương trình giảm giá mạnh chưa từng có đối với mặt hàng bắp cải trắng Đà Lạt.

Trước đó, Saigon Co.op đã đạt được thỏa thuận với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng về việc bù chi phí để đưa ra thị trường hàng trăm tấn bắp cải trắng, bắp cải thảo đạt tiêu chuẩn VietGAP với giá bán dưới vốn, phục vụ cho nhu cầu sử dụng rau củ quả Đà Lạt của người tiêu dùng. Chương trình giảm giá bắp cải trắng và bắp cải thảo Đà Lạt dự kiến sẽ diễn ra từ 15 đến 30 ngày, với sức tiêu thụ dự kiến khoảng 500 – 600 tấn.

Sản phẩm bắp cải trắng và bắp cải thảo Đà Lạt  được bán tại toàn bộ hơn trăm siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food tại Tp. Hồ Chí Minh, khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và đồng loạt giảm giá dao động ở mức 3.000 - 4.500 đồng/kg. Ghi nhận sức tiêu thụ hai mặt hàng này trong những ngày mở bán đầu tiên đạt mức gần 16 tấn/ngày và dự kiến sẽ tăng từ 30%-50% trong các ngày cuối tuần sắp tới.

Theo đại diện Saigon Co.op, hệ thống bán lẻ này sẽ tiếp tục tìm kiếm những nguồn nông sản chất lượng cao, giá cả hợp lý để bù chi phí và đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng với giá vốn. Với giải pháp này, nhà bán lẻ vừa có thể giúp chia sẻ áp lực chi tiêu cho khách hàng, vừa đẩy mạnh sức tiêu thụ nông sản Việt trước tác động của dịch COVID-19.

Tương tự, Saigon Co.op, nhiều nhà bán lẻ khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như Big C, LOTTE Mart, Bách hóa Xanh... cũng ưu tiên vị trí đẹp và trưng bày nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm Việt để khách hàng dễ dàng lực chọn. Đồng thời, các nhà bán lẻ này cũng tăng cường chạy liên tục chương trình khuyến mãi, giảm giá dành cho ngành hàng nông sản thực phẩm lên đến 50%, tùy theo chủng loại; tổ chức giao hàng tận nơi cho khách mua nhiều...

Báo cáo của Ban quản lý các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, số lượng mặt hàng nông sản thực phẩm nhập về thành phố với nguồn cung dồi dào, đa dạng chủng loại và giá cả tương đối ổn định. Trong đó, nhiều mặt hàng có giá bán sỉ giảm từ 10%-50%, tùy loại so với thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mặt hàng bí đỏ có giá bán sỉ 8.000 đồng/kg; bầu 5.000 đồng/kg; cà chua 7.000 đồng/kg; cải ngọt 10.000 đồng/kg; dưa leo 9.000 đồng/kg; khổ qua 7.000 đồng/kg; su su 5.000 đồng/kg; xà lách búp Đà Lạt 7.000 đồng/kg... Còn một số mặt hàng trái cây như bưởi da xanh có giá bán sỉ 15.000 đồng/kg; dưa hấu dài đỏ 13.000 đồng/kg; đu đủ vàng 15.000 đồng/kg; nho đỏ Phan Rang 25.000 đồng/kg; vú sữa Cần Thơ 25.000 đồng/kg...

Theo thương nhân, tiểu thương tại chợ đầu mối, sức mua trên thị trường Tp. Hồ Chí Minh đang bảo hòa và có xu hướng giảm nhẹ, nên không dám ôm hàng hay dự trữ vì mặt hàng nông sản thực phẩm thường bị hư hỏng, hao hụt nhiều hơn những mặt hàng khác. Ngoài ra, tác động của dịch bệnh dẫn đến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên hàng hóa có rẻ đến đâu thì họ cũng mua vừa đủ dùng nên thương nhân, tiểu thương phải cân đối số lượng nhập hàng bám sát nhu cầu thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục