Đà Nẵng đối thoại với doanh nghiệp năm 2017

17:02' - 12/05/2017
BNEWS Chiều 12/5, thành phố Đà Nẵng tổ chức đối thoại doanh nghiệp 2017 nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.

Chiều 12/5, tại Trung tâm Hành chính thành phố, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp năm 2017 dưới sự chủ trì của UVTƯ Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Xuân Anh; ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, với sự tham gia của hơn 400 đại diện doanh nghiệp, tổ chức, hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn.

Hội nghị là dịp để các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng trực tiếp trao đổi, chia sẻ với lãnh đạo thành phố nhằm tháo gỡ những khó khăn chung; đồng thời cùng với thành phố tận dụng tốt “cơ hội vàng” của Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí Thư Thành uỷ Nguyễn Xuân Anh khẳng định: Doanh nghiệp hoạt động tại thành phố đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Đà Nẵng và chính điều này đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển bền vững của thành phố.

Bí Thư Nguyễn Xuân Anh khẳng định lãnh đạo thành phố luôn đồng hành và sẳn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển một cách nhanh nhất, bền vững nhất và tạo ra nhiều sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và cho xã hội...

Hội nghị dành phần lớn thời gian để thảo luận, trả lời các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; đồng thời tiếp thu những góp ý, hiến kế của doanh nghiệp đối với sự phát triển của thành phố. Lãnh đạo thành phố cũng đã thông báo tình hình xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp, báo cáo tổng hợp và phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thành phố Đà Nẵng năm 2016.

Trước khi diễn ra Hội nghị, lãnh đạo thành phố cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, trả lời bằng văn bản 52 kiến nghị từ phía doanh nghiệp, hiệp hội và chuyển đến các cơ quan thẩm quyền những nội dung liên quan.

Trong đó, hầu hết là những kiến nghị về giá đất, nhu cầu bố trí mặt bằng, chính sách thuế, chính sách đổi mới công nghệ, công nghiệp hỗ trợ; việc xuống cấp cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp…

Ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, hoạt động này đã tạo sợi dây kết nối, sự thấu hiểu giữa chính quyền với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nhân trẻ thành phố mong muốn bên cạnh những chương trình đối thoại, lãnh đạo thành phố nên tổ chức cuộc họp giao ban riêng hằng tháng với đại diện lãnh đạo các hội, hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe và giải đáp những đề xuất, kiến nghị.

Năm 2017, Tuần lễ Cấp cao APEC sẽ diễn ra ở Đà Nẵng; chính quyền thành phố nên nghiên cứu, xem xét giao các hội, hiệp hội phối hợp tổ chức các hoạt động bên lề nhằm nâng cao vai trò cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các đề án, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nên rút ngắn thời gian triển khai thủ tục, lộ trình, thẩm định hồ sơ để doanh nghiệp tiếp nhận những chương trình hỗ trợ nhanh chóng và thuận lợi hơn. Quan tâm và triển khai hậu kiểm, bảo đảm các chính sách đã triển khai diễn ra đúng tiến độ, quy trình, đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, nên có các chương trình cà-phê hằng tháng để lãnh đạo thành phố trực tiếp gặp gỡ doanh nhân nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhanh chóng và hiệu quả nhất…

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị cách làm việc của các đơn vị còn cứng nhắc, mong muốn được các đơn vị nhắc nhở đối với các sai phạm nhỏ để tạo môi trường đầu tư điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Về vốn qua đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp, thành phố đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố rất vui mừng về quyết định này của lãnh đạo thành phố. Nhưng qua thời gian hoạt động, số doanh nghiệp tiếp cận được Quỹ bảo lãnh này rất hạn chế, còn vướng bởi điều 23 quy định của Quyết định 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa được tháo gỡ (mặc dầu Nghị quyết 35/CP năm 2016 của Chính phủ đã yêu cầu tháo gỡ vướng mắc này).

Việc này do cơ chế chính sách đã quy định, thành phố không thể linh động giải quyết được, doanh nghiệp còn phải chờ sự vào cuộc tháo gỡ từ phía Trung ương.

Ông Bình bày tỏ, mặt bằng đất đai kinh doanh sản xuất do thành phố quyết định, Hội mong muốn được tham gia đấu thầu khu đất đã quy hoạch 6 hecta ở Hòa Minh, Liên Chiểu để xây dựng hạ tầng khu kho tàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê.

Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng cho rằng, chính quyền thành phố cần quan tâm hơn nữa công tác an sinh xã hội với đối tượng người lao động ở các khu công nghiệp, tạo sức hút cũng như sự ổn định nguồn lao động cho doanh nghiệp của thành phố, trong đó có các doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ...

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có nhiều lao động nữ đã được ban hành nhưng việc triển khai thực hiện còn hạn chế, chưa thể hiện rõ nét.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất, nhất là thời gian qua giá đất có nhiều biến động, có thời điểm bị đẩy lên cao.

Chính quyền thành phố nên có sự linh hoạt trong việc thu tiền thuê đất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng tiếp cận mặt bằng sản xuất cũng như xoay vòng vốn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng; tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp dân doanh duy trì ổn định. Trong tháng 4/2017, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 378 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 997,3 tỷ đồng.

Lũy kế 4 tháng trên địa bàn thành phố, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.530 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10.500 tỷ đồng.

Trong tháng 4, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư 690.000 USD, tăng 125% về dự án và tăng 118,9% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục