Đà Nẵng yêu cầu các khách sạn phải có nơi lưu trú dự phòng cho F0

20:15' - 14/03/2022
BNEWS Ngày 14/3, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng tổ chức họp bàn về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBDN thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), thành phố đã qua đỉnh dịch, tuy nhiên chưa thể khẳng định, đề nghị CDC tiếp tục theo dõi, đánh giá thận trọng. Đây là việc hết sức quan trọng, để thành phố đưa ra biện pháp trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Sở Y tế xem xét việc không sử dụng Bệnh viện Dã chiến thứ 3 và Trung tâm Hồi sức vùng. Về việc điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng ngoại tỉnh, lãnh đạo thành phố giao cho Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp với các địa phương bạn, trao đổi hội chẩn trước khi tiếp nhận bệnh nhân.

 

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, ngày 15/3, ngành Du lịch sẽ mở cửa đón khách quốc tế, do vậy, lãnh đạo thành phố đề nghị Sở Du lịch phải hoàn tất công tác chuẩn bị để đón khách chu đáo; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khách sạn không có nơi lưu trú dự phòng cho F0.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19; ngành Giáo dục và Đào tạo theo dõi tình hình dạy học, chủ động đề xuất phương án phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời nghiên cứu, đánh giá, tham mưu cho thành phố về việc có nên kéo dài năm học để đảm bảo tốt nhất chất lượng dạy - học.
Về công tác tiêm vaccine, hiện thành phố đã giao cho các địa phương triển khai. Tuy nhiên, qua số liệu thống kê, tiến độ tiêm hiện chưa được đảm bảo. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành tiêm mũi 3 cho người dân trên 18 tuổi trong tháng Ba nhưng đến nay Đà Nẵng mới đạt 70%.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ, tuyên truyền rộng rãi để người dân chủ động đến các điểm tiêm chủng.
Về công tác điều trị F0, các địa phương cần truyền thông mạnh mẽ về lợi ích để người dân chủ động khai báo y tế khi phát hiện mắc COVID-19, đặc biệt là những trường hợp có bệnh nền, chưa tiêm vaccine và người già, tránh trường hợp bị bệnh nặng mới khai báo y tế, gây ra khó khăn trong công tác chuyển viện.
Đối với công tác cấp giấy chứng nhận hưởng Bảo hiểm xã hội, Sở Y tế hạn chế tối đa việc người dân phải tập trung đông tại cơ sở y tế để giải quyết thủ tục; quá trình triển khai nếu vướng mắc phải kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo nắm để cùng nhau tháo gỡ.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng thành phố, tính từ 13 giờ ngày 13/3 đến 13 giờ ngày 14/3, Đà Nẵng ghi nhận 1.235 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.084 ca cộng đồng.
Cùng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa triển khai Tổng đài chăm sóc, tư vấn cho người COVID-19 tại Đà Nẵng (đầu số: 0236 393 1022); với 2 kênh bác sỹ gọi ra tư vấn cho F0 và F0 chủ động gọi bác sỹ để yêu cầu tư vấn.
Theo đó, khi người dân gọi đến đầu số: (0236) 393 1022 sẽ gặp được các bác sỹ, nhân viên y tế (do Sở Y tế huy động từ các Trung tâm Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ thành phố, các bệnh viện chuyên khoa thuộc Sở Y tế…) và được tư vấn, hỗ trợ. Các bác sỹ, nhân viên y tế sẽ trực, nhận cuộc gọi từ 7 giờ 30 đến 22 giờ 30 các ngày trong tuần.
Do các bác sỹ, nhân viên y tế nhận cuộc gọi hỗ trợ, tư vấn theo hình thức kiêm nhiệm hoặc đang tư vấn cho F0 khác, nên một số trường hợp bác sỹ, nhân viên y tế bận, không nhấc máy; cuộc gọi sẽ chuyển đến nhân viên Tổng đài 1022 tiếp nhận, ghi nhận thông tin để hỗ trợ sau./.

>>>Mở cửa du lịch - cơ hội đón đầu nhu cầu du lịch toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục