Đà phục hồi của kinh tế Hàn Quốc vẫn chậm

06:30' - 11/03/2024
BNEWS Theo Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), nước này tiếp tục ghi nhận lực cầu trong nước giảm, trong khi xuất khẩu gia tăng.

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế tháng Ba của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) công bố ngày 10/3 nêu rõ: “Nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục bị đình trệ, song xuất khẩu tăng trưởng nhanh, qua đó khắc phục phần nào tình trạng suy giảm trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.

 

Báo cáo cho biết thêm: “Giá trị các dự án xây dựng hoàn thành trong tháng Hai cho thấy xu hướng gia tăng tạm thời, nhưng cả tiêu dùng và đầu tư thiết bị vẫn tiếp tục trì trệ do áp lực của tình trạng lãi suất cao kéo dài”.

Doanh số bán lẻ, thước đo chi tiêu tư nhân trong tháng Hai tăng 0,8% so với tháng Một, nhưng lại giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo dài chuỗi suy giảm sang tháng thứ 7 liên tiếp. Đầu tư hạ tầng tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do các yếu tố tạm thời như hiệu ứng cơ bản và số ngày làm việc tăng thêm.

Báo cáo cho biết: “Xu hướng lực cầu trong nước giảm vẫn tiếp tục kéo dài; tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay kinh doanh cá nhân và hộ gia đình vẫn ở mức cao và một số mặt hàng, như nông sản đang có xu hướng gia tăng lạm phát do nguy cơ nguồn cung suy giảm”.

Trái với thực trạng tiêu dùng và đầu tư trong nước yếu kém, xuất khẩu ghi nhận xu hướng phục hồi nhờ nhu cầu ổn định về chất bán dẫn. Trong tháng Hai, xuất khẩu tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp sau thời kỳ suy giảm kéo dài một năm.

KDI cho biết: “Mối quan ngại về tình trạng suy thoái kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm đã phần nào giảm bớt, đóng vai trò là động lực quan trọng hỗ trợ cho xuất khẩu”.

Về lạm phát, KDI nhận định rằng áp lực lạm phát từ rủi ro nguồn cung gia tăng có thể khiến giá tiêu dùng ngày càng tăng.

Trong tháng Hai, giá tiêu dùng, thước đo chính của lạm phát, đã tăng trở lại ở mức trên 3%, cụ thể là 3,1%, do giá trái cây và các sản phẩm nông nghiệp khác, cũng như giá dầu nhập khẩu tăng cao.

Chính phủ dự báo giá tiêu dùng sẽ giảm với tốc độ chậm hơn dự kiến trước khi đạt mục tiêu 2% vào khoảng cuối năm 2024.

Bộ Tài chính dự báo chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2024 tăng 2,6% so với năm ngoái

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục