Đại dịch COVID-19 “phủ mây đen” lên hoạt động tiêu dùng Nhật Bản

16:48' - 08/09/2020
BNEWS Tháng Bảy ghi dấu tháng thứ 10 chi tiêu liên tiếp giảm khi mức chi cho quần áo, phương tiện đi lại và giải trí giảm mạnh do sự bùng phát trở lại của các ca lây nhiễm COVID-19.

Theo số liệu thống kê từ Chính phủ Nhật Bản, trong tháng Bảy, chi tiêu hộ gia đình tại nước này đã giảm thực 7,6% so với cùng kỳ năm trước đó giữa lúc đại dịch COVID-19 tiếp tục “phủ mây đen” lên hoạt động tiêu dùng.

Đây được coi là một tín hiệu xấu đối với nền kinh tế đã rơi vào suy thoái của “xứ Phù tang”.

Tháng Bảy ghi dấu tháng thứ 10 chi tiêu liên tiếp giảm khi mức chi cho quần áo, phương tiện đi lại và giải trí giảm mạnh do sự bùng phát trở lại của các ca lây nhiễm COVID-19.

Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết chi tiêu trung bình theo điều kiện thực tế của các hộ gia đình có từ hai người trở lên là 266.897 yen (2.510 USD). Chi tiêu hộ gia đình là thước đo chính của tiêu dùng tư nhân và đóng góp hơn một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.

Sự suy yếu của nhu cầu trong nước tiếp tục đặt ra thách thức đối với bất kỳ ai kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe, người đã tìm cách thúc đẩy nền kinh tế bằng chính sách Abenomics.

Thống kê cho thấy chi tiêu cho quần áo giảm 20,2% do người tiêu dùng không mua quần áo công sở; chi tiêu cho giải trí giảm 21% sau khi người dân hạn chế tham gia các chuyến du lịch trong nước cũng như nước ngoài, chi tiêu cho giao thông và liên lạc cũng giảm 19,6%.

Tuy nhiên, trong tháng Bảy thu nhập trung bình hàng tháng của các hộ gia đình làm công ăn lương có ít nhất hai người, đã tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước lên 685.717 yen, nhờ khoản hỗ trợ trị giá 100.000 yen của chính phủ cho tất cả các hộ gia đình để đối phó với đại dịch COVID-19.

Khoản hỗ trợ này đã giúp thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa lâu bền như tủ lạnh và máy giặt, khi chi tiêu cho các mặt hàng gia dụng tăng 16,6%.

Cùng trong tháng Bảy, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đã giảm 27,4% so với cùng kỳ năm trước xuống 1.470 tỷ yen khi diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Một quan chức của Bộ Tài chính cho biết với tình hình hiện tại, các công ty Nhật Bản nhận được ít lợi nhuận hơn từ các công ty con ở nước ngoài do hiệu quả kinh doanh kém./.

>>Nhật Bản: Các ứng cử viên thủ tướng đều nhấn mạnh ưu tiên phát triển khu vực nông thôn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục