Đắk Lắk dành hơn 8.000 tỷ đồng nguồn vốn vay phục vụ niên vụ cà phê 2022-2023

08:06' - 28/10/2022
BNEWS Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn Đắk Lắk đã cam kết đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sản xuất, kinh doanh cà phê niên vụ 2022-2023.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cam kết đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sản xuất, kinh doanh cà phê niên vụ 2022-2023.

 

Dự kiến nguồn vốn cho vay khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tiếp theo sẽ được Hội sở chính phân bổ cho các chi nhánh ngân hàng thương mại ngay sau khi kết thúc năm tài chính 2022. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sản xuất, kinh doanh cà phê chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng để được hướng dẫn, thẩm định phương án vay vốn.

Trước đó, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành có chính sách và giải pháp tín dụng để doanh nghiệp, đại lý có nguồn vốn thu mua, sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2022-2023.

Theo Hội doanh nhân trẻ, trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng chuẩn bị vào mùa thu hoạch cà phê. Các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cần lượng vốn lớn để thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê, song hầu hết các ngân hàng trên địa bàn đã hết room tín dụng.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk cũng đề xuất UBND tỉnh, sở, ngành, các ngân hàng ưu tiên cấp hạn mức và giải ngân cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu ngành hàng cà phê trong thời điểm cao điểm, đặc biệt là vào các tháng 11, 12/2022 và tháng 1/2023.

Đồng thời, đề xuất Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giữ hàng, có kế hoạch điều tiết bán hàng, tránh việc “bán tháo” vào thị trường cùng lúc dẫn đến cà phê bị mất giá hoặc bị ép giá.

Sau khi nhận được các đề xuất, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk đã gửi công văn đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đề nghị chính sách hỗ trợ tài chính cho ngành cà phê niên vụ 2022-2023.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, cà phê là cây trồng chủ lực của địa phương và khu vực Tây Nguyên, là ngành hàng cấp tín dụng truyền thống của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Niên vụ cà phê 2021-2022, doanh số cho vay đạt 32.661 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 21.140 tỷ đồng. Trong đó, doanh số cho vay thu mua, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cà phê đạt 18.449 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Kim Cương cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn vay, phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động cân đối thu nhập, chi phí để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, đảm bảo an toàn tài chính; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới để hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng.

Ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp, tập trung vốn vay cho các lĩnh vực ưu tiên, chương trình, dự án trọng điểm, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh (trồng, chăm sóc, chế biến, xuất khẩu cà phê và các mặt hàng nông sản).

Đơn vị cũng đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cân đối, tập trung nguồn vốn nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực cà phê niên vụ 2022-2023 của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là vào thời điểm cao điểm thu hoạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục