Đắk Nông phòng chống dịch bệnh hại trên cây điều

13:09' - 24/03/2017
BNEWS Thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh phát triển mạnh khiến nhiều vườn điều của các nông hộ ở Đắk Nông giảm năng suất hoặc mất trắng.
Nấm và thán thư gây khô cổ bông là 2 bệnh chủ yếu trên cây điều do mưa trái mùa gây ra. Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN

Krông Nô là huyện có diện tích điều tương đối lớn của tỉnh Đắk Nông, với hơn 3.600ha. Niên vụ điều năm 2017, hầu hết diện tích điều trên địa bàn mất mùa nặng, ước giảm 60 - 70% năng suất, thậm chí nhiều vườn mất trắng.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nguyên nhân mất mùa điều là do thời tiết bất lợi mùa mưa kéo dài (mưa kéo dài đến đầu tháng 12/2016). Sâu bệnh ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây điều.

“Thời tiết diễn biến khá phức tạp, ngày nắng nóng, ban đêm lạnh và gió mạnh. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch khá cao là nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng đậu quả của cây điều. Quá trình tạo quả gặp nắng nóng vào ban ngày kết hợp thời tiết lạnh nhiều sương muối về đêm và sáng sớm khiến chồi non và hoa bị khô héo hàng loạt, tỉ lệ đậu quả rất thấp”, ông Lộc cho hay.

Ông Lộc cũng cho biết, thời tiết biến đổi cũng là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của các loại dịch bệnh hại cây điều, nhất là bọ xít muỗi, bệnh thán thư, sâu đục thân, cành gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng điều. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, toàn huyện Krông Nô đã có gần 700 ha điều bị sâu bệnh hại; trong đó diện tích nhiễm bọ xít muỗi, thán thư khoảng hơn 600 ha.

Tại các vùng trồng điều khác của Đắk Nông như Cư Jút, Tuy Đức, Đắk R’Lấp…tình hình cũng diễn ra tương tự. Thời tiết bất lợi và sâu bệnh hại hoành hành khiến nhiều vườn điều không đậu quả hoặc đậu quả rất thấp.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông), thời gian qua điều kiện thời tiết diễn biến bất thường (mưa trái mùa, ngày nắng, đêm và về sáng sớm có sương mù) tạo điều kiện cho bọ xít muỗi và bệnh thán thư phát triển mạnh tại các vùng trồng điều gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đã chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp phối hợp với các Trạm Bảo vệ thực vật tăng cường theo dõi, hướng dẫn bà con phòng trừ sâu bệnh hại, không để lây lan trên diện rộng.

Theo bà Hoàng Ngọc Duyên, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Nông, các nông hộ cần thực hiện tổng hợp các biện pháp canh tác, sinh học, hóa học để phòng và trị bệnh trên cây điều có hiệu quả. Theo đó, trong thời kỳ cây điều ra đọt non, chồi hoa và quả non các nông hộ không bón quá nhiều phân đạm, tăng cường phân kali.

Đồng thời thường xuyên vệ sinh vườn cây, làm sạch cỏ dại, tỉa cành, tạo tán cho vườn điều thông thoáng. Kiểm tra mật độ bọ xít muỗi, bệnh thán thư vào thời kỳ cây điều ra đọt non, lá non, ra hoa đậu quả.

Ngành nông nghiệp Đắk Nông khuyến cáo các nông hộ chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ bọ xít muỗi, bệnh thán thư khi có nguy cơ gây hại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng và phải theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách).

Đồng thời sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hàng năm.

Đối với bọ xít muỗi, thời điểm phun hiệu quả nhất vào chiều mát. Những ngày trời âm u bọ xít muỗi phát triển mạnh có thể phun sớm hơn nhưng nếu điều đang nở hoa không phun trước 9h sáng để hoa điều thụ phấn.

Với bệnh thán thư, khi cây điều ra chồi non, nụ hoa, quả non nếu gặp điều kiện độ ẩm cao, sương mù nhiều thì cần phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ bệnh và không phun thuốc trước 9 giờ sáng để điều thụ phấn…

Tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 15.000ha điều. Nhờ phù hợp với điều kiện tự nhiên và dễ trồng, dễ chăm sóc, nên thời gian qua cây điều đem lại thu nhập ổn định và giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số ở địa phương xóa đói giảm nghèo.

>> Thu 300 triệu đồng/ha điều nhờ kinh nghiệm ứng phó thời tiết

>> Giá hồ tiêu giảm mạnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục