Đàm phán Mỹ-Trung: Bước đầu cho đình chiến thương mại

13:50' - 10/05/2025
BNEWS Ngày 10/5, Trung Quốc và Mỹ khởi động cuộc họp quan trọng đầu tiên nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tiềm năng tại Thụy Sỹ.
Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ góp phần hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan căng thẳng – một tình thế mà các nhà phân tích mô tả là bất lợi cho cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trên mạng xã hội Truth Social ngày 9/5, Tổng thống Mỹ, Donald Trump, cho biết: “Mỹ có thể giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 80%”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, các quyết định sẽ “tùy thuộc vào Bộ trưởng Bessent”, người sẽ cùng Đại diện Thương mại, Jamieson Greer, đàm phán với Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Hà Lập Phong.

 
Trong một bài đăng khác, ông Trump kêu gọi: “Trung Quốc cần mở cửa thị trường cho Mỹ”. Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 8/5, ông bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán Mỹ-Trung sẽ đạt tiến triển thực chất, hướng tới giảm mức thuế cao mà Washington đang áp lên Bắc Kinh.

Mặc dù vậy, mức thuế ba chữ số mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt lẫn nhau không phải là điểm căng thẳng duy nhất trong cuộc đàm phán cuối tuần này. Các vấn đề phi thương mại như fentanyl, hạn chế công nghệ, và địa chính trị có thể khiến con đường giải quyết xung đột thương mại Mỹ-Trung, vốn đang gây xáo trộn kinh tế toàn cầu, càng thêm phức tạp.

Một nguồn tin thân cận tiết lộ Trung Quốc sẽ cử một quan chức an ninh cấp cao tham gia đàm phán, cho thấy các vấn đề phi thuế quan đang đan xen sâu sắc với nội dung thương mại.

Ông Scott Kennedy, chuyên gia về hoạt động kinh doanh với Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định: “Rất khó để cuộc họp ngày 10/5 mang lại bất kỳ kết quả đột phá nào, ngoài việc xác định liệu hai bên có thể thiết lập một quy trình đàm phán và các nội dung nghị sự sẽ là gì”.

Ông Kennedy cho rằng kịch bản tốt nhất cho thị trường tài chính ở giai đoạn đầu là hai bên đồng ý giảm thuế quan từ mức trên 100% – vốn được xem như lệnh cấm vận thương mại – xuống mức cho phép hàng hóa lưu thông đôi chiều, dù các mức thuế mới vẫn gây áp lực lớn lên doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc.

Ông Ryan Hass, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton tại Viện Brookings, nhận định: “Chính phủ Trung Quốc sẽ yêu cầu được hưởng miễn trừ thuế quan 90 ngày như các quốc gia khác để tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán”.

Tuy nhiên, hầu hết nhà phân tích không kỳ vọng Mỹ sẽ tạm miễn thuế quan cho Trung Quốc. Dù vậy, một động thái giảm thuế tạm thời, dù nhỏ, cùng cam kết tiếp tục đàm phán, có thể mở rộng sang các vấn đề phi thương mại như fentanyl, vẫn được nhà đầu tư xem là kết quả tích cực.

Ông Bo Zhengyuan, đối tác tại công ty tư vấn Plenum ở Thượng Hải, nói: “Nếu có một thỏa thuận đình chiến thương mại tạm thời hoặc giảm thuế đối xứng, điều đó sẽ tạo điều kiện cho các nỗ lực đàm phán toàn diện trong tương lai”.

Bà Lynn Song, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc Đại lục tại ngân hàng ING, dự đoán: “Thuế quan đối với hàng hóa Mỹ có khả năng được Nhà Trắng giảm về khoảng 60%, phù hợp với cam kết trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ của ông Trump”. Bà cho rằng, mức thuế này vẫn đủ cao để cản trở nhiều sản phẩm có thể thay thế, nhưng cũng cho phép nhập khẩu những sản phẩm không có lựa chọn thay thế với ít áp lực hơn.

Trung Quốc hiện chịu mức thuế 145% từ Mỹ đối với toàn bộ hàng xuất khẩu, trong khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa 125% lên hàng hóa Mỹ. Theo Tổng thống Trump, mức thuế hiện tại của Washington với Bắc Kinh đã ở ngưỡng tối đa và việc giảm thuế là hợp lý. Ông đồng thời đánh giá, Trung Quốc, với thặng dư thương mại lớn với Mỹ, đang thể hiện thiện chí đạt thỏa thuận và mở cửa thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục