Dân mắc kẹt vì dự án “treo”

09:41' - 28/12/2018
BNEWS Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, cùng với nhiều dự án chậm triển khai, hiện trên địa bàn tỉnh còn không ít dự án quy hoạch “treo”, gây khó khăn cho người dân sống trong vùng dự án.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có nhiều dự án “treo”, dự án chậm triển khai, gây lãng phí đất đai, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án.

Vì vậy, tỉnh Phú Thọ đang triển khai nhiều biện pháp nhằm siết chặt việc quản lý sử dụng đất đai, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những đơn vị có các dự án này.

Lãng phí đất do dự án chậm triển khai

Dự án xây dựng Khu làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình Minh được UBND tỉnh Phú Thọ cho thuê 5.000 mét vuông đất với thời hạn 49 năm. Tuy nhiên đã hơn 6 năm được giao đất, doanh nghiệp vẫn “án binh bất động”. Để giữ đất doanh nghiệp mới thực hiện xây kè, đổ đất san nền rồi bỏ hoang để cỏ dại mọc um tùm.

Nhiều dự án mới thực hiện xây kè, đổ đất san nền rồi bỏ hoang để cỏ dại mọc um tùm. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại huyện Lâm Thao còn có dự án của 5 doanh nghiệp khác gồm Công ty Nhật Quang, Công ty phát hành sách Phú Thọ, Công ty giống cây trồng Hải An, Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Việt Hà và Công ty Nam Tuấn cũng trong cảnh tương tự. Trong đó có dự án giao đất rồi bỏ hoang từ nhiều năm nay, thậm chí tới 10 năm. UBND huyện Lâm Thao đã ra văn bản đề nghị thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, nhưng đến nay chưa có dự án nào bị thu hồi.

Ông Vũ Văn Nhất, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết Sở vừa phối hợp với các đơn vị chức năng, các địa phương rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy trên địa bàn tỉnh có 47 dự án sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thuộc địa bàn 10 huyện, thành, thị đã được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, nhưng đến nay còn chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, với tổng diện tích 186,21 ha.

Trong đó, thành phố Việt Trì 11 dự án, thị xã Phú Thọ 6 dự án; các huyện Tân Sơn 5 dự án, Thanh Ba 1 dự án, Cẩm Khê 4 dự án, Đoan Hùng 1 dự án, Thanh Sơn 2 dự án, Lâm Thao 6 dự án, Thanh Thủy 3 dự án và Tam Nông 8 dự án.

Qua kiểm tra 23 dự án thì có tới 19 dự án chậm tiến độ thực hiện trên 24 tháng liên tục chưa đưa đất vào sử dụng; 2 dự án đã hết hạn thời gian thuê đất nhưng không được Nhà nước cho gia hạn và 1 dự án chậm trên 12 tháng liên tục. Đối với 24 dự án còn lại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện tổ chức thanh, kiểm tra để làm cơ sở đề xuất báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Theo ông Nhất, đối với các dự án chậm triển khai, việc xử lý đang gặp khó khăn vì theo Điều 64 Luật Đất đai, doanh nghiệp chậm đưa đất vào sử dụng được gia hạn 24 tháng. Sau 24 tháng lại tiếp tục được gia hạn thêm 24 tháng nữa, tức là tổng thời gian gia hạn được 4 năm. Nhiều dự án được giao đất, cho thuê đất, nhưng sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích, chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh đều đang nằm trong khoảng thời gian gia hạn này nên chưa thể xử lý.

Những dự án này đều không có năng lực về tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án; sử dụng đất không đúng mục đích, không thực hiện đúng cam kết đầu tư hoặc đầu tư cầm chừng có dấu hiệu giữ đất chờ cơ hội chuyển nhượng trao tay kiếm lời, không tập trung nguồn lực đầu tư.

Dân mắc kẹt vì dự án “treo”

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, cùng với nhiều dự án chậm triển khai, hiện trên địa bàn tỉnh còn không ít dự án quy hoạch “treo”, gây khó khăn cho người dân sống trong vùng dự án.

Qua rà soát, tại thành phố Việt Trì có 7 dự án lớn được UBND tỉnh quy hoạch vào mục đích giáo dục, y tế… như Trường Đại học Dược, Trường Cao Đẳng Y tế Phú Thọ, Trường Đại học Hùng Vương, cụm bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Nhi) đã “treo” từ nhiều năm nay. Do không có năng lực về tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án, một số dự án đã không thể triển khai hoặc chậm triển khai so với tiến độ nhiều năm liền; một số dự án không thực hiện đúng cam kết đầu tư hoặc đầu tư cầm chừng để giữ đất.

Điển hình như dự án Trường Đại học Dược được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt quy hoạch và giới thiệu địa điểm tại phường Vân Phú và xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì từ năm 2010. Thực hiện quy hoạch được duyệt, UBND thành phố Việt trì đã ban hành thông báo thu hồi đất, quyết định kiện toàn Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giúp chủ đầu tư thực hiện các thủ tục triển khai dự án theo quy định. Tuy nhiên, sau 8 năm được quy hoạch, dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ đã khiến cho các hộ dân nằm trong quy hoạch bị mắc kẹt, đi không được, ở không xong.

Tại dự án xây dựng Trường Đại học Hùng Vương, hơn 15 năm qua, hàng chục hộ dân ở phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, nằm trong quy hoạch vẫn chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, nhà không được sửa chữa, cải tạo, xây mới, đường đi lầy lội không được nâng cấp và không có nước máy để sinh hoạt. Dự án được tỉnh Phú Thọ ký quyết định giao đất từ năm 2005 với tổng diện tích đất là 97,5 ha, trên địa bàn các phường Vân Phú, Nông Trang và Dữu Lâu, thuộc thành phố Việt Trì. Sau hai lần điều chỉnh quy hoạch, từ diện tích được giao là 97 ha giảm xuống còn 59 ha, trong đó vẫn còn 22 ha đất chưa giải phóng mặt bằng. Từ năm 2005 đến nay, nhiều hộ dân nằm trong dự án vẫn chưa được nhận đền bù, đất sử dụng không có giá trị, không được xây dựng, khiến cuộc sống gặp vô vàn khó khăn.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã phải giao các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, đồng thời cho phép người dân sống trong vùng quy hoạch dự án được thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Một số trường hợp được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới và một số trường hợp được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo.

Kiên quyết xử lý những đơn vị có dự án "chây ỳ”

Quan điểm của tỉnh Phú Thọ là tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, còn những nhà đầu tư không đảm bảo năng lực, giữ đất, giữ dự án nhằm trục lợi, tỉnh sẽ dứt khoát xử lý, không để lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Từ quan điểm này, những năm gần đây Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ đã kiến nghị thu hồi 31 dự án đã chậm triển khai, chủ yếu là những dự án chậm triển khai từ 7 đến hơn 10 năm. Trong đó, tỉnh đã chấm dứt và thu hồi 4 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng nhà máy dệt nhuộm của Tập đoàn TAL Apparal Limited (Hồng Kông, Trung Quốc), tại Khu công nghiệp Phú Hà; dự án xây dựng khu chăn nuôi lợn tập trung công nghệ an toàn sinh học tại huyện Yên Lập của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đầu tư phát triển nông nghiệp Phú Thọ; dự án xây dựng khu chăn nuôi lợn tập trung công nghệ an toàn sinh học tại huyện Cẩm Khê của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đầu tư phát triển nông nghiệp Phú Thọ; dự án trang trại chăn nuôi tổng hợp tại khu Mố, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ sinh học COSMOS... Hiện Sở đang hoàn thiện các thủ tục tiếp tục thu hồi thêm một số dự án chậm triển khai khác.

Ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới cách thức xúc tiến đầu tư trực tiếp với các nhà đầu tư là các tập đoàn kinh tế, các công ty cổ phần có kinh nghiệm, đã thực hiện thành công dự án tương tự tại các địa phương trên cả nước và đầu tư thành công trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực thẩm định dự án và năng lực nhà đầu tư; sử dụng các kênh thông tin đáng tin cậy để thẩm định tư cách pháp nhân, năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ làm tốt công tác nắm thông tin, giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình thực hiện dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, xử lý việc nhũng nhiễu; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các nhà đầu tư, đồng thời xử lý kịp thời những vi phạm của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Tỉnh sẽ phân công các lãnh đạo tỉnh, thành viên UBND tỉnh trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên từng dự án; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu cho các doanh nghiệp trên địa bàn; tập trung mọi nguồn lực đầu tư hoàn thành các dự án đang triển khai.

Đối với những dự án đã được tỉnh cho phép giãn tiến độ do giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ giải phóng mặt bằng sớm, giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Địa phương nào thực hiện không đảm bảo sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nếu các dự án này tiếp tục triển khai chậm, triển khai cầm chừng, hoặc không đủ năng lực tài chính, quản lý, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi./.

>>> Hải Phòng: Người dân bức xúc vì dự án treo giữa trung tâm thành phố

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục