Dự án “treo” tại TP HCM: Bài cuối: Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ

19:49' - 09/12/2018
BNEWS Để quản lý quy hoạch đô thị, giải quyết các dự án chậm triển khai trên địa bàn, HĐND Tp. Hồ Chí Minh và các sở ngành liên quan đã có nhiều Nghị quyết và phương án giải quyết cụ thể.

Để tăng cường quản lý quy hoạch đô thị, giải quyết các dự án chậm triển khai trên địa bàn, HĐND Tp. Hồ Chí Minh cũng như các sở ngành liên quan của thành phố đã có nhiều Nghị quyết và phương án giải quyết cụ thể; trong đó, đều thống nhất tình thần kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai.

Một người nông dân "thăm ruộng" trong quy hoạch Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Cụ thể, HĐND thành phố đã lần lượt ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 5/10/2012 (Nghị quyết 16) và Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 5/12/2017 (Nghị quyết 21). Theo đó, Nghị quyết 21 đã đánh giá, tiến độ giải quyết các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố vẫn còn khó khăn. Nhiều dự án đã có văn bản chấp thuận địa điểm, có quyết định thu hồi và giao đất nhưng chậm triển khai, kéo dài, gây bức xúc, khó khăn cho người dân sinh sống trong khu vực dự án, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Trên cơ sở đó, HĐND thành phố đã giao UBND thành phố tổ chức lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố, xác định ranh giới quy hoạch các đồ án một cách hợp lý, bố trí hợp lý nguồn lực tổ chức thực hiện. Đồng thời, đánh giá năng lực của chủ đầu tư, tính khả thi của dự án, xã hội hoá việc đầu tư các khu đô thị mới có sự tham gia của người dân.

Hiện nay, thành phố đang ưu tiên tập trung giải quyết 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài; trong đó có dự án Sing Việt (huyện Bình Chánh) và dự án Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi).

Về tình hình thực hiện dự án, xử lý các dự án triển khai trên địa bàn thành phố, mới đây ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND quận huyện rà soát và thực hiện công bố công khai danh sách các dự án thu hồi. Cùng đó, rà soát, báo cáo cụ thể danh sách các dự án trọng điểm của thành phố có sử dụng đất để tổ chức thực hiện mời gọi đầu tư năm 2019.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan rà soát, phân tích kỹ từng trường hợp cụ thể.

Trường hợp xác định không ảnh hưởng đến nội dung đang thực hiện thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng có báo cáo, tham mưu cho UBND thành phố để có hướng tháo gỡ cụ thể cho doanh nghiệp.

Tại Kỳ họp lần thứ 12 của HĐND Tp. Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 3-7/12 vừa qua, trả lời ý kiến đại biểu về dự án quy hoạch "treo", ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thông tin, thực hiện Nghị quyết 16, thành phố có khoảng 547 dự án phải thu hồi chủ trương do trong quá trình tổ chức thực hiện chậm.

Còn thực hiện Nghị quyết 21, sau khi rà soát lại trên địa bàn thành phố có trên 2.800 dự án; trong đó, có 600 dự án hoàn thành, còn hơn 1.500 dự án đang triển khai thực hiện. Hiện đã có 180 dự án được trình UBND thành phố thu hồi chủ trương thực hiện.

Trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có nhiều dự án chậm triển khai, kéo dài, "hành dân", cũng như gây lãng phí nguồn lực đất đai. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Theo ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết 16, đối với những dự án mặc dù chậm tiến độ nhưng có tính khả thi, phù hợp với quy hoạch đô thị thì thành phố sẽ có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.

Dự án không còn phù hợp với quy hoạch thì xem xét điều chỉnh và chỉ gia hạn 1 lần cho 1 dự án. Trong khi đó, những dự án mà chủ đầu tư không có khả năng thực hiện thì cương quyết thu hồi quyết định giao đất, văn bản thoả thuận địa điểm và các chủ trương khác có liên quan để kêu gọi đầu tư theo quy định và quy hoạch được duyệt.

Đối với việc giải quyết quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố cho hay, thành phố đã xem xét việc xây dựng, sửa chữa nhà trong khu quy hoạch tại Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 20/6/2017 của UBND Tp. Hồ Chí Minh.

Theo đó, quy định cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho các trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công trình nhà ở riêng lẻ có sẵn thuộc khu vực có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố, Sở đã thường xuyên phối hợp với các quận huyện rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000, tỷ lệ 1/500, khắc phục tình trạng quy hoạch thiếu tính khả thi, hạn chế ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khu vực quy hoạch.

Thực hiện Nghị quyết 21 và theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang tiếp tục phối hợp với các sở ngành, quận huyện để xem xét. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành thêm các chính sách về nhà, đất.

Từ đó, tháo gỡ khó khăn cho người dân trong các khu vực đã có quy hoạch được duyệt nhưng chưa có nguồn vốn thực hiện như thủ tục xây dựng và đất đai tại khu vực quy hoạch chức năng sử dụng đất hỗn hợp và dân cư xây dựng mới.

Trong diễn biến mới nhất về quản lý quy hoạch đô thị, vừa qua Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã trình UBND thành phố về chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025 để UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Những vấn đề cơ bản cần điều chỉnh gồm mô hình phát triển đô thị, phân bố lại quy hoạch dân cư, cấp nhật một số chương trình, dự án quan trọng của thành phố, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch không gian ngầm.

Những giải pháp, kế hoạch và động thái nêu trên của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh hy vọng sẽ sớm giải quyết dứt điểm nhiều dự án “treo” làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong nhiều năm tại nhiều địa bàn. Đồng thời, đem lại niềm tin và sớm ổn định cuộc sống cho người dân cũng như đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang và phát triển đô thị thành phố theo hướng thông minh, phát triển bền vững./.

Xem thêm:

>>Dự án “treo” tại TP HCM: Bài 1: Nhìn từ 2 dự án “treo” kỷ lục

>>Dự án “treo” tại TP HCM: Bài 2: “Long đong” dự án Safari và khu nhà ở Đại học Quốc gia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục