Đăng ký ô tô mới tại châu Âu tăng 74% trong đại dịch COVID-19

07:30' - 24/06/2021
BNEWS Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu cho biết, số đăng ký ô tô mới tại châu Âu trong tháng 5/2021 tăng 74% so với cùng kỳ năm 2020, khi các phòng trưng bày phải đóng cửa trên toàn khu vực.

Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu cho biết doanh số bán ô tô ở khu vực này đã phục hồi từ mức suy giảm một năm trước trong tháng thứ ba liên tiếp.

Tuy nhiên, doanh số vẫn còn thấp so với mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Cụ thể, số đăng ký ô tô mới tại châu Âu trong tháng 5/2021 tăng 74% so với cùng kỳ năm 2020, khi các phòng trưng bày phải đóng cửa trên toàn khu vực. So với tháng 5/2019, doanh số bán xe trên toàn châu Âu đã giảm 25%.

Tại Pháp, nơi các đại lý môi giới ô tô vẫn bị dừng hoạt động một phần cho đến ngày 19/5, doanh số bán ô tô đã tăng 46% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 27% so với tháng 5/2019.

Trong số các nhà sản xuất ô tô lớn nhất, doanh số bán hàng tại châu Âu của Volkswagen đã tăng 94%. Tiếp theo là 61% đối với Stellantis NV và 26% đối với Renault SA, trong khi số đăng ký ô tô mới tăng 96% đối với BMW AG và 49% đối với Daimler AG.

Công ty nghiên cứu thị trường LMC Automotive cho biết trong một báo cáo hồi đầu tuần rằng nhu cầu về cơ bản vẫn khá yếu. Khu vực Tây Âu đã cho thấy sự cải thiện không đáng chú ý, trong khi Mỹ đang thể hiện “sức bật đáng kể” của mình.

Trong khi các hạn chế phòng dịch vẫn được áp dụng ở một số thị trường bao gồm cả Pháp, các quốc gia khác đã gặp nhiều khó khăn ngay cả khi các quy định phòng dịch được nới lỏng. Song ông Joe Spak, nhà phân tích tại RBC Capital Markets, cho hay việc các nước nới lỏng các quy tắc phòng dịch COVID-19 có thể là "điềm tốt" cho triển vọng trong tương lai.

Giới quan sát cho rằng thị trường ô tô châu Âu đang phục hồi chậm, dù niềm tin của người tiêu dùng có sự cải thiện. Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đã hạn chế hoạt động của hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn trên toàn cầu. Ford Motor Co. đã lên lịch đóng cửa kéo dài cho hai nhà máy ở Đức của họ.

Volkswagen AG và Daimler AG đang đưa công nhân vào các chương trình hỗ trợ tiền lương của Chính phủ khi các dây chuyền lắp ráp gặp nhiều khó khăn về nguồn cung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục