Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ có nguy cơ "gây sóng gió" cho quan hệ thương mại với Canada

10:11' - 11/08/2022
BNEWS Khi Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Giảm lạm phát vào đầu tuần này, các nhà lãnh đạo chính trị cũng như các doanh nghiệp của Canada đã rất phấn khởi trước các điều khoản về khí hậu của đạo luật.

Khi Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Giảm lạm phát vào đầu tuần này, các nhà lãnh đạo chính trị cũng như các doanh nghiệp của Canada đã rất phấn khởi trước các điều khoản về khí hậu của đạo luật - được cho là có khả năng tạo ra "cú hích" đối với ngành công nghiệp xe ô tô điện của Canada.

 

Tuy nhiên, những thay đổi lớn khác trong dự luật cũng tạo tiền đề cho nguy cơ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Canada về thuế bán hàng kỹ thuật số.

Phiên bản trước đó của dự luật sẽ nâng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu của Mỹ lên 15%, tuân thủ phần cốt lõi của thỏa thuận thuế toàn cầu - được Canada và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố vào mùa Hè năm ngoái, với mục đích ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế.

Nhưng điều khoản về thuế doanh nghiệp tối thiểu đã bị loại bỏ trong phiên bản cập nhật của dự luật của Mỹ. Điều này có nghĩa là thỏa thuận thuế toàn cầu (do OECD dẫn dắt) có thể phải tiếp tục mà không có sự tham gia đầy đủ từ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Văn phòng Bộ trưởng Tài chính Canada trong tuần này lặp lại cảnh báo trước đó: nếu thỏa thuận thuế toàn cầu của OECD không được thực thi, Canada sẽ tự đánh thuế 3% đối với doanh thu kỹ thuật số của các công ty đa quốc gia lớn.

Động thái này có thể ảnh hưởng tới các tập đoàn của Mỹ và làm phức tạp thêm mối quan hệ kinh tế giữa Canada với đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Thuế dịch vụ kỹ thuật số của Canada, hay DST, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024 và sẽ được áp dụng hồi tố để bao gồm các khoản doanh thu mà các công ty thu được kể từ ngày 1/1/2022.

Phó Thủ tướng Canada kiêm Bộ trưởng Tài chính, bà Chrystia Freeland đã ca ngợi thỏa thuận thuế của OECD khi thỏa thuận được công bố vào mùa Hè năm ngoái.

Vào thời điểm đó, OECD cho biết thỏa thuận này, nếu được hoàn tất, sẽ huy động được hơn 150 tỷ USD mỗi năm cho các chính phủ trên toàn thế giới bằng cách ngăn chặn các doanh nghiệp sử dụng "các thiên đường thuế" và các "thủ thuật" kế toán để trả ít thuế hơn.

Adrienne Vaupshas, phát ngôn viên của Bộ trưởng Tài chính Canada cho biết, Canada đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên trường quốc tế liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận của OECD và rằng Chính phủ Canada đã chuẩn bị sẵn sàng để tự hành động.

Kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số được Canada công bố lần đầu tiên vào năm 2020 và được nêu chi tiết hơn trong bản cập nhật kinh tế mùa Thu năm 2021.

Tháng trước, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã đưa ra một tuyên bố nhắc lại mối quan ngại của Washington đối với các kế hoạch thuế của Canada. Mỹ đã bóng gió đề cập đến hành động trả đũa nếu Canada áp dụng DST./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục