Đặt thói quen sử dụng tiết kiệm điện lên hàng đầu

17:41' - 30/05/2024
BNEWS Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong những tháng cao điểm Hè sắp tới, hệ thống điện có thể tiếp tục có kỷ lục mới về công suất, sản lượng.

Đây là những thách thức rất lớn mà EVN và các đơn vị thành viên cũng như các đơn vị khác trong hệ thống điện phải nỗ lực để bảo đảm điện cho phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cùng với sự nỗ lực của ngành điện, cần thực hành tiết kiệm điện theo phương châm vừa khuyến khích, phát triển phong trào nhưng cũng cần hành động quyết liệt.

 

Trong những ngày cuối tháng 5/2024 này, thời tiết nắng nóng gay gắt, oi bức tái diễn ở nhiều khu vực của cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc lại tăng cao kỷ lục. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc ngày 28/5/2024 đã đạt đỉnh kỷ lục mới là 1,0019 tỷ kWh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh.

Thực tế này không nằm ngoài đánh giá của Chính phủ. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện; Thủ tướng Chính phủ cũng đã trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc triển khai nhiều công trình, dự án nguồn điện, lưới điện.

Tuy nhiên, năm 2024 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Để đảm bảo cung ứng điện trong thời gian cao điểm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện số 38/CĐ-TTg về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo tới các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu Khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị kịp thời đáp ứng nhu cầu điện trong thời gian tới, bảo đảm không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, riêng đối với khu vực miền Bắc, trong những ngày gần đây mặc dù thời tiết khá nắng nóng, oi bức nhưng vẫn chưa phải đợt nóng đỉnh điểm.

Tiêu thụ điện miền Bắc những ngày qua cũng đã tăng cao cả về công suất và sản lượng và dự báo vẫn còn tiếp tục tăng lên, gia tăng áp lực về cung cấp điện trong những đợt nóng cao điểm có thể diễn ra thời gian tới.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, để đảm bảo cung cấp điện năm 2024 và các năm tiếp theo như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, EVN và các đơn vị đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành tối ưu hệ thống điện, thị trường điện, tăng cường nhập khẩu điện, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cũng đã lập phương thức và điều hành hệ thống điện, thị trường điện một cách tối ưu; xây dựng các kịch bản cung ứng điện, hàng tuần cập nhật các yếu tố về sản xuất điện, nhu cầu phụ tải, diễn biến thuỷ văn để chủ động lập, điều chỉnh kế hoạch vận hành hệ thống điện. Các Tổng Công ty/Công ty Điện lực phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh/thành phố để thực hiện nghiêm, hiệu quả các chương trình, giải pháp tiết kiệm điện tối thiểu để đạt mục tiêu theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

Trao đổi về vấn đề cung ứng và sử dụng điện, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, để không còn nỗi lo thiếu điện, điều trước tiên cần làm là đặt thói quen sử dụng tiết kiệm lên hàng đầu.

Đây cũng là lý do tại sao Chính phủ, Bộ Công Thương liên tục đưa ra những yêu cầu, chỉ thị, hướng dẫn trong câu chuyện tạo ra thói quen, nhận thức mới của người tiêu dùng từ các hộ gia đình tới các doanh nghiệp. Bởi mỗi cá nhân không có thói quen tốt, không biến thành việc hằng ngày thì chúng ta sẽ cảm thấy cực kỳ khó khăn.

"Trước mắt, cần thực hành tiết kiệm, sử dụng năng lượng, tài nguyên một cách hiệu quả hơn, sau đó mới tính tới việc tận dụng các tài nguyên tái tạo như điện mặt trời, điện gió, các dạng năng lượng tự dùng. Và cuối cùng mới là sử dụng điện từ lưới điện"- ông Hà Đăng Sơn nói và đặt vấn đề, liệu rằng đã đến lúc đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn, mang tính chất bắt buộc hơn chứ không phải câu chuyện tự nguyện với tiết kiệm điện?

Cùng quan điểm trên, theo TS. Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, chúng ta đã quản lý được phần cung thì cũng cần làm với phía cầu sử dụng. Vấn đề tiết kiệm điện cần vừa khuyến khích, phát triển phong trào nhưng cũng cũng cần hành động quyết liệt.

Mục tiêu đặt ra là năm 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025… Mục tiêu này buộc phải có cam kết thực sự, cam kết chính trị, tức là phải hành động.

Là một trong những đơn vị sử dụng điện lớn, ông Trần Nhật Ninh, Phó tổng giám đốc kỹ thuật Công ty CP nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho biết, hàng tháng sản lượng điện tiêu thụ của công ty từ 3,6 - 4 triệu kWh, để thực hiện điều chỉnh phụ tải điện công ty đã tăng cường sản xuất vào các giờ không phải là giờ cao điểm, qua đó vừa hỗ trợ cho ngành điện, đồng thời tiết giảm được tiền điện cho công ty.

Để chung tay góp phần đảm bảo cung cấp điện trong mùa Hè nắng nóng năm 2024 đã và đang có xu thế bất lợi về thời tiết, ngoài những nỗ lực về cung ứng nguồn điện của ngành điện, rất cần sự chung tay và hành động của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm cũng giảm thiểu nguy cơ sự cố về điện và hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao.

Năm 2024 là năm dự báo tiếp tục nhiều khó khăn trong cung ứng điện do tình hình El Nino còn diễn ra phức tạp cũng như nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu trong năm nay.

Từ cuối năm 2023, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ban hành những văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản cũng như 63 UBND tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên tinh thần quyết tâm cao, nhất định không để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, dự báo sát tình hình, sẵn sàng chuẩn bị các tình huống xấu nhất có thể xảy ra để có phương án bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân trong thời gian tới, đặc biệt là trong tháng 6 năm 2024 khi dự kiến cuối tháng 6 đường dây 500 kV mạch 3 mới hoàn thành.

Với EVN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai nhanh, quyết liệt các dự án nguồn và lưới điện được giao làm chủ đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường; phấn đấu hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào trong tháng 5 năm 2024 như Trạm cắt Đắk Oóc, đường dây 200 kV Nậm Sum – Nông Cống…; chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý của Tập đoàn làm tốt công tác chuẩn bị sản xuất, bảo đảm có thể huy động tối đa công suất phát điện trong những tháng cao điểm năm 2024, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu (than, khí, dầu) đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục