Đấu thầu thành công 5.600 tỷ đồng tiền tạm thời nhàn rỗi từ Quỹ vaccine phòng COVID-19

20:12' - 01/07/2021
BNEWS Đã có 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV trúng thầu với tổng số tiền là 5.600 tỷ đồng.

 

Trao đổi với báo chí chiều ngày 1/7, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Giám đốc Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 Nguyễn Quang Vinh cho biết đã đấu thầu thành công phiên đầu tiên nhằm gửi một phần tiền nhàn rỗi từ quỹ trong quá trình chờ mua vaccine phòng COVID-19

Theo đó, đã có 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV trúng thầu với tổng số tiền là 5.600 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, mỗi ngân hàng trúng thầu được gửi 1.400 tỷ đồng; với mức lãi suất từ 3% đến 3,3%. Theo quy định, số tiền tạm thời nhàn rỗi của Quỹ vaccine phòng COVID-19 dự kiến được gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho quỹ trong quá trình chờ đợi mua đủ thuốc vaccine cho người dân.

Theo quy định tại Thông tư 41/2021/TT-BTC ngày 02/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng COVID-19, quỹ gửi tiền nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại mà Kho bạc Nhà nước lựa chọn để gửi có kỳ hạn các khoản ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi.

Quy trình lựa chọn ngân hàng thương mại này của Kho bạc Nhà nước đã được thực hiện theo quy định tại Nghị định 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước và Thông tư 64/2019/TT-BTC ngày 16/9/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 314/2016/TT-BTC ngày 28/11/2016 hướng dẫn Nghị định 24/2016/NĐ-CP.

Việc lựa chọn này đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng trên cơ sở xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước cũng như các tiêu chí đánh giá cụ thể về quy mô tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, chất lượng tín dụng, kết quả hoạt động kinh doanh của mỗi ngân hàng.

Quy trình gửi tiền nhàn rỗi của Quỹ vaccine phòng COVID-19 được tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch theo từng bước, bao gồm: thông báo nhu cầu gửi tiền của quỹ tới các ngân hàng thương mại; nhận, mở bản chào nhận tiền gửi của các ngân hàng thương mại; xác định lãi suất, khối lượng gửi tiền theo nguyên tắc cạnh tranh về lãi suất và ký kết hợp đồng gửi tiền với các ngân hàng thương mại.

Hiện số dư của ngân sách nhà nước đang được công khai đấu thầu trực tuyến. Theo lãnh đạo Kho bạc nhà nước, mức lãi suất tiền gửi của thông qua đấu thầu cũng cao hơn so với trước, tùy thuộc vào thị trường có thể cao hơn lãi suất bình quân liên ngân hàng, góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách.

Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước khẳng định, toàn bộ các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho quỹ; lãi tiền gửi của quỹ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại (kể cả không kỳ hạn và có kỳ hạn) đều là nguồn thu của quỹ và được sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 theo quy định.

Kho bạc Nhà nước cũng đang có kế hoạch tiếp tục đấu thầu kỳ tiếp theo để bảo toàn và tăng trưởng quỹ, bảo đảm nguồn lực tài chính hiệu quả cho việc mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine, góp phần sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, tính từ khi thành lập quỹ đến nay, bình quân mỗi ngày, Quỹ vaccine có trên 10.000 lượt tổ chức, cá nhân chuyển khoản, chưa kể trên 1 triệu tin nhắn. Số huy động vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 tính đến 17 giờ chiều 1/7 là 7.986 tỷ đồng (bao gồm ngoại tệ quy đổi).

Tổng số tổ chức, cá nhân đã đóng góp là 356.715 lượt. Số tiền này chưa bao gồm tiền của những đơn vị cam kết ủng hộ cho Quỹ vaccine.

Thời gian tới, kỳ vọng quỹ sẽ nhận được sự đóng góp của tất cả các tổ chức, cá nhân với số tiền khoàng 10.000 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, thời gian qua, Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ giao cho Bộ Tài chính quản lý. Từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của rất nhiều bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương và địa phương; các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Theo cân đối nguồn lực, để mua và tiêm cho 75 triệu dân cần 150 triệu liều vaccine với kinh phí là 25,2 nghìn tỷ đồng. Chỉ sau một thời gian ngắn từ khi thành lập Quỹ đến nay đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Nhằm tạo thuận lợi để nhân dân và các đoàn thể giám sát hoạt động của quỹ, thông tin về số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, tiền lãi từ hoạt động gửi tiền nhàn rỗi của quỹ tại ngân hàng,... cũng như tình hình thu, chi chung của quỹ đều được công khai đầy đủ, minh bạch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Cổng thông tin điện từ của Kho bạc Nhà nước, Cổng thông tin điện tử của quỹ và qua các hình thức công bố, công khai khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục