Đầu tư của Indonesia vào năng lượng tái tạo thấp nhất trong 6 năm qua

17:52' - 15/12/2023
BNEWS Năm 2023, đầu tư của Indonesia vào năng lượng tái tạo được dự báo đạt mức thấp nhất trong 6 năm qua, bất chấp mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon trong ngành điện của quốc gia Đông Nam Á này.
Theo Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (ESDM), tính đến hết tháng 11, Indonesia mới chỉ thu hút được 1,17 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mới và tái tạo, chỉ bằng 65% mục tiêu 1,8 tỷ USD đặt ra cho năm nay.

Mục tiêu năm nay được dự báo sẽ không thể đạt được, dù trước đó Chính phủ Indonesia đã điều chỉnh giảm so với mục tiêu ban đầu là 3,91 tỷ USD. Mục tiêu 3,91 tỷ USD từng được đặt ra cho năm ngoái, song cuối cùng chỉ đạt 40%.

 
Người đứng đầu Viện nghiên cứu cải cách và dịch vụ thiết yếu (IESR) Fabby Tumiwa cho biết con số năm nay sẽ thấp nhất kể từ năm 2017, một phần do thiếu các dự án năng lượng tái tạo được đem ra đấu giá trong 2 năm qua, trong khi việc triển khai đã bị trì trệ kể từ năm 2020.

Ông Fabby cho hay: “Lãi suất tăng trong năm qua đã khiến các dự án phải đối mặt với việc đánh giá lại tính khả thi ngay cả khi chúng đã đạt được thỏa thuận mua bán điện (PPA)”.

Ông Fabby dự báo công suất năng lượng tái tạo bổ sung trong năm nay sẽ chỉ đạt 0,97 GW, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3,4 GW và khiến Indonesia có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” do sự chậm trễ của quá trình khử carbon trong ngành điện.

Indonesia cũng đã cố gắng thúc đẩy các dự án năng lượng Mặt Trời áp mái với mục tiêu đạt công suất 2,14 GW vào năm 2030. Tuy vậy, tính đến tháng 5 vừa qua, mục tiêu này mới chỉ đạt được vẻn vẹn 95 MW.

Theo ông Fabby, thúc đẩy năng lượng Mặt Trời áp mái chưa phải là giải pháp tối ưu do các hạn chế về quy định, như sự chậm trễ trong sửa đổi Quy định số 26/2021 của ESDM và hoạt động cấp phép của công ty điện lực nhà nước PLN.

Ông Ahmad Zuhdi Dwi Kusuma, nhà phân tích thuộc ngân hàng quốc doanh Bank Mandiri, cho biết lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của các dự án khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Ông Kusuma cho rằng một số người có thể lựa chọn trì hoãn các quyết định đầu tư cuối cùng (FID) hoàn toàn bằng một quyết định tài chính để tìm kiếm những tài sản có lợi suất cao hơn nhằm thu lợi ngắn hạn.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra các rào cản khác, như tình trạng dư thừa nguồn cung của lưới điện Java-Madura-Bali, khiến việc bán năng lượng tái tạo ở khu vực này trở nên khó khăn hơn, cũng như các điều khoản hợp đồng mua bán điện không thuận lợi, làm giảm khả năng thanh toán của các dự án.

Ông Gilles Pascual thuộc công ty tư vấn Ernst & Young Singapore, cho biết thêm rằng các nhà đầu tư cũng phải đối mặt với thách thức từ yêu cầu tỷ lệ nội địa (TKDN) và tình trạng thiếu năng lực sản xuất trong nước, vốn làm tăng đáng kể chi phí dự án.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến ngày 13/12, ông Pascual nhắc lại rằng Indonesia không có chuỗi cung ứng nội địa hoàn thiện. Các tấm pin, biến tần và rất nhiều thiết bị khác cần phải nhập khẩu. Hiện rất khó để đáp ứng các yêu cầu về TKDN.

Trên cơ sở đó, ông Pascual kêu gọi Chính phủ Indonesia đẩy nhanh quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện gió và điện Mặt Trời, đồng thời thực hiện các yêu cầu về TKDN theo từng bước.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Ủy ban VII (giám sát các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp) thuộc Hạ viện Indonesia Eddy Soeparno khẳng định rằng Indonesia có tiềm năng rất lớn về sản xuất năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, song việc thực hiện các yêu cầu về TKDN đối với các dự án tái tạo thường không đáp ứng được kỳ vọng.

Theo ông Eddy, nhà máy điện Mặt Trời nổi Cirata công suất 192 MW, nhà máy lớn nhất Đông Nam Á mới được khai trương gần đây, cũng chỉ đạt 23% TKDN, thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu là 40-60%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục