Đẩy lùi nạn hàng lậu trong dịp Tết Nguyên đán 2017

11:16' - 25/11/2016
BNEWS Tết Nguyên đán càng đến gần thì tại các cửa khẩu vùng biên lại càng trở nên "nhộn nhịp" hơn bao giờ hết, khiến cho tình hình buôn lậu qua các cửa khẩu biên giới càng gia tăng và phức tạp.
Kiểm đếm hàng hóa trước khi vận chuyển. Ảnh:Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Cận kề thời điểm cuối năm cũng là lúc tình hình buôn lậu qua các cửa khẩu biên giới càng gia tăng và phức tạp, số lượng hàng lậu chảy vào nội địa khá lớn.

Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo tới các bộ, ngành, địa phương cần xác định, coi nhiệm vụ phòng chống buôn lậu là nhiệm vụ đầu tiên, ưu tiên và thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Bên cạnh việc tiếp tục lên các phương án cụ thể về chống buôn lậu cần nắm chắc địa bàn, làm tốt việc điều tra từng cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp để phát hiện những thủ đoạn mới trong phòng chống buôn lậu.

Dùi đánh trống thủng

Tết Nguyên đán càng đến gần thì tại các cửa khẩu vùng biên lại càng trở nên "nhộn nhịp" hơn bao giờ hết. Ngày nào cũng vậy từ mờ sáng tới lúc đóng cửa khẩu, lực lượng chức năng đều phải làm việc hết công suất.

Lợi dụng chính sách miễn thuế xuất nhập khẩu nếu hàng hóa không quá 2 triệu đồng/người, các đầu nậu đã thuê chính những người dân nghèo hàng ngày đi vận chuyển để đưa hàng tiến sâu vào nội địa.

Theo ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, phương thức mới mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng là lợi dụng địa hình đường biên giới sát các khu dân cư có nhiều đường mòn, lối mở, tập kết hàng lậu từ bên kia biên giới Trung Quốc rồi thuê cửu vạn “cõng” hàng đi theo đường mòn đến một số điểm tập kết, sau đó bốc lên ôtô và tiến sâu vào nội địa.

Lực lượng Hải quan tỉnh Quảng Trị kiểm tra hàng hóa từ nội địa nhập vào Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng do dung lượng thị trường của Việt Nam ngày càng phát triển với tốc độ cao, độ mở của nền kinh tế lớn nên giao thương hàng hóa ngày càng tăng.

Hơn nữa, việc đấu tranh về phương tiện, công cụ vừa yếu lại vừa thiếu khiến hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, không loại trừ trong đội ngũ quản lý thị trường vẫn còn tình trạng tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, bao che cho tình trạng vi phạm; sự phối hợp của các địa phương dù nỗ lực nhưng chưa đều là những nguyên nhân khiến chảo lửa vẫn luôn nóng.

Thống kê từ Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, đến thời điểm này lực lượng chức năng đã kiểm tra 145.000 vụ và phát hiện 88.000 vụ vi phạm, số tiền xử phạt và thu về cho ngân sách nhà nước là 523 tỷ đồng;

Trong đó, riêng về an toàn thực phẩm, Cục kiểm tra xử lý gần 13.900 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 29,6 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ 20,4 tỷ đồng.

Nhận định về tình hình buôn lậu thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường cho rằng, do thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày một tinh vi, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại thì lực lượng kiểm tra, kiểm soát thiếu về số lượng; kinh phí, phương tiện nghiệp vụ chưa đáp ứng.

Nhiều địa phương có địa bàn kênh rạch chằng chịt, hoạt động buôn bán trên sông diễn ra sôi nổi nhưng lực lượng chức năng không có xuồng máy, ca-nô để kiểm tra, kiểm soát.... Cùng với đó, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo, sau thời gian áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ khó khăn cho các lực lượng khi thực thi nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng thừa nhận chính từ những nguyên do này mà công sức của các lực lượng chức năng bỏ ra vẫn chưa thu lại kết quả như mong đợi.

Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở các đơn vị còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, còn thiếu kinh nghiệm thực tế trong nhận biết, phát hiện, khai thác, phân tích thông tin với hàng hóa vi phạm.

Ngoài ra, hệ thống chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể; một số văn bản pháp luật cũ chưa được thay đổi, bổ sung cho phù hợp.

Siết chặt kỷ cương

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng nên việc chống buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ thêm khó khăn.

Đặc biệt, thị trường ngày càng phát triển đa dạng, phức tạp; thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng tinh vi và bất chấp hơn trước. Do đó, để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm đạt hiệu quả cao nhất rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và quần chúng nhân dân.

Để kiểm soát tốt tình trạng này, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán 2017, 29 đội quản lý thị trường của Tp. Hồ Chí Minh tăng tần suất kiểm tra và làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ Nhật để kịp thời ngăn chặn và xử lý hàng gian, hàng giả và buôn lậu; trong đó, tập trung kiểm tra các mặt hàng như thuốc lá, rượu, bia, các loại thực phẩm, hàng may mặc và điện tử...

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Tân Thanh kiểm tra số hàng hóa nhập lậu vừa bị bắt giữ. Ảnh: Thái Thuần-TTXVN

Ngoài ra, Chi Cục Quản lý thị trường thành phố cũng sẽ phối hợp với lực lượng chức năng nơi có đường biên giới như Long An, Tây Ninh trong phòng chống buôn lậu, ngăn chặn hàng lậu tuồn về thành phố để tiêu thụ.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Tín, Cục Quản lý Thị trường đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2017, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, các đợt kiểm tra được triển khai trên nhiều mặt, từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tại các chợ bán buôn, bán lẻ, các cửa hàng, hội chợ đến các kho hàng, bến bãi trạm xe trung chuyển hàng hóa, cảng, ga hàng không, đường sắt...

Có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, tập trung vào các mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết như rượu, bia, thuốc lá, pháo nổ, đèn trời, đồ may mặc, da giầy, điện tử, điện lạnh, thực phẩm.

Ông Nguyễn Trọng Tín cho biết thêm, Cục sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an trong việc xử lý các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-BCT và Chỉ thị số 23/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương để xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn, kiến thức pháp luật cho công chức thực thi; đặc biệt chú trọng kiểm tra nội bộ để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có vi phạm.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, bởi nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm.

Đồng thời, thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

Tổng cục Hải quan vừa ban hành công văn số 10524/TCHQ-ĐTCBL gửi Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Định Dậu năm 2017.

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt, chỉ đạo các đơn vị, cán bộ, công chức cần nêu cao tinh thần cảnh giác, vận dụng kinh nghiệm công tác và kỹ năng nghiệp vụ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Đồng thời, các Cục Hải quan cần xây dựng kế hoạch, tuần tra kiểm soát, tích cực phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển,… nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm ngay tại địa bàn hoạt động hải quan.

Đối với Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò là đơn vị chủ công thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục