ĐBSCL khôi phục sau giãn cách - Bài 1: Thách thức ngày trở lại

18:00' - 18/10/2021
BNEWS Tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp ở ĐBSCL - trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn cả nước.

Nơi đây đã chịu tác động nặng nề, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa và ngừng hoạt động bởi dịch bệnh.

Sau khi nhiều tỉnh, thành trong khu vực đã từng bước kiểm soát được dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã "rục rịch" mở cửa trở lại để tái hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, việc phải chống chọi với dịch bệnh quá lâu khiến nhiều doanh nghiệp đã “sức cùng lực kiệt”.

Trong bối cảnh đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp, sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, nhất là chính quyền các địa phương bằng các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp là giải pháp tiếp thêm sức mạnh để doanh nghiệp "đứng lên" đi tiếp.

Bài 1: Nhiều thách thức ngày trở lại

Trải qua thời gian dài giãn cách, nhiều doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đuối sức. Và nghiêm trọng hơn là ngay cả các doanh nghiệp còn hoạt động thì phần lớn cũng đang cạn kiệt nguồn lực.

Một số doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động nhưng năng suất chỉ từ 30 - 40%, trong khi đó chi phí đội lên gấp nhiều lần từ việc duy trì các phương án sản xuất "3 tại chỗ", "4 tại chỗ".

Ngoài ra chuỗi cung ứng đầu vào từ cánh đồng đến nhà máy bị đứt gãy, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, đầu ra bị đội lên do chi phí vận tải, logistics tăng cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nhiều hệ lụy

Tác động dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 diễn ra, Đồng bằng sông Cửu Long - trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước, đã chịu tác động nặng nề. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa và ngưng hoạt động.
Thời kỳ "bình thường mới" đã bắt đầu, tình hình khôi phục hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang dần tăng số lượng. Tuy nhiên, còn gần 2/3 doanh nghiệp trên toàn thành phố vẫn còn "ngủ đông".
Tính đến ngày 17/10, mặc dù, 150 doanh nghiệp đã tái sản xuất trở lại so với ngày 22/9, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ở Cần Thơ lên 306 doanh nghiệp, chiếm 26,22% tổng số doanh nghiệp. Nhưng Cần Thơ vẫn còn 861 doanh nghiệp còn tạm dừng hoạt động (chiếm 73,78% tổng số doanh nghiệp); trong đó, 72 doanh nghiệp trong khu công nghiệp và 789 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.
Theo Cục thống kê thành phố Cần Thơ, hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh trong 9 tháng năm 2021 đều sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước thực hiện 9 tháng giảm 9,77% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 10,02%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 6,75%; nhiều sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể như phi lê đông lạnh giảm 9,86%; gạo xay xát giảm 24,35%; thức ăn gia súc giảm 30,65%; quần áo may sẵn giảm 13,05%; dược phẩm giảm 29,04%; xi măng giảm 24,46%...

Ngoài ra, vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay đạt thấp; hoạt động ngành vận tải, kho bãi cũng gặp nhiều khó khăn...
Nhóm ngành nông, lâm nghiệp tăng tỷ trọng nhưng thủy sản suy giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nuôi trồng thủy sản không bị ảnh hưởng nhiều bởi giãn cách nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy sản bị ảnh hưởng nặng. Bởi yêu cầu phương án sản xuất "3 tại chỗ" thì doanh nghiệp thủy sản khó đáp ứng; việc "ngăn sông, cấm chợ" gây đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại thị trường nội địa cũng như nước ngoài.
Ngành thủy sản phục hồi phụ thuộc lớn vào quyết định của chính quyền về việc không yêu cầu doanh nghiệp sản xuất trở lại bằng phương án "3 tại chỗ" và hoạt động vận tải, logistics phải được thông suốt.

Các doanh nghiệp thủy sản ở miền Tây nếu thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến" nguy cơ buộc phải đóng cửa bởi ngoài chi phí logistics, chi phí xét nghiệm cho công nhân bình quân mỗi tháng rất cao, có khi bằng với mức lương mỗi tháng của một công nhân.

Theo thống kê từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Đồng bằng sông Cửu Long có 2.109 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 23,70%; có 4.557 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể , tăng 58,12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường của cả nước cũng như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày một gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở các địa phương.

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng tháng 8/2021 chỉ đạt 1,97 tỷ USD, giảm 49,7% so với tháng 7/2021.

Trong đó: xuất khẩu đạt 1,04 tỷ USD (giảm 40,61%), nhập khẩu đạt 930 triệu USD (giảm 22%) so với tháng 7/2021.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Trường nghiên cứu Fulbright những ngành dịch vụ chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất là du lịch, khách sạn, nhà hàng ...

Hai nhóm ngành có đóng góp lớn cho kinh tế đó là công nghiệp chế biến, chế tạo và thương mại cũng bị tác động, suy giảm trầm trọng; doanh nghiệp xây dựng, công trình xây dựng phải ngừng hoạt động, đầu tư công bị sụt giảm.

Gánh nặng chi phí

Dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, chế biển thủy sản là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng.

Trước đây, trong điều kiện sản xuất bình thường, Công ty cổ phần Chế biến Thuỷ sản xuất khẩu Minh Hải, tỉnh Cà Mau luôn có gần 500 công nhân hoạt động thường xuyên tại xí nghiệp, xưởng sơ chế.

Tuy nhiên, khi địa phương tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì cơ sở đã phải tạm dừng hoạt động.

Ông Huỳnh Hải Triều, Phó giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Thuỷ sản xuất khẩu Minh Hải cho biết, khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, công ty đã nhanh chóng khôi phục nhiều hoạt động sản xuất nhằm thực hiện các đơn đặt hàng của đối tác trong và ngoài nước đã được ký kết, tuy nhiên, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp đã làm cho lượng công nhân giảm rất nhiều so với trước.
Trong số đó, đối với việc thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” đã vấp phải một số vấn đề phát sinh tại doanh nghiệp như phát sinh các khoản chi phí duy trì phương án; thiếu cơ sở vật chất để bố trí chỗ ăn, nghỉ, sinh hoạt cho công nhân đúng quy định y tế.

Đồng thời, chỉ có thể huy động 30 - 50% số lượng lao động tham gia phương án, dẫn đến các nhà máy, xí nghiệp không thể vận hành hết công suất. Các doanh nghiệp thương mại gặp rất nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hoá, nguyên liệu đầu vào trong sản xuất hoặc sản phẩm thiết yếu cho người dân, thậm chí đôi khi làm đứt gãy nguồn cung.
Với đặc thù ngành kinh doanh phân bón cần nhiều lao động, dù Công ty TNHH MTV Tường Dung An Giang, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang chấp nhận chịu nhiều chi phí phát sinh của mô hình sản xuất "3 tại chỗ" nhưng thực tế hiệu quả mang lại không cao.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tường Dung An Giang cho biết, trong điều kiện kho chứa phân bón nóng bức, thiếu chỗ tắm, giặt, vệ sinh và không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi nên rất bất tiện cho công nhân.

Mặt khác, công nhân làm việc tại doanh nghiệp đa phần gần nhà nhưng hơn 1 tháng nay không được về nên tâm lý mệt mỏi, căng thẳng, khó tái tạo lại sức lao động.

"Nếu kéo dài thời gian thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ", công nhân sẽ nghỉ việc hết. Nhiều kho phân bón sẽ ngưng hoạt động, chuỗi cung ứng phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp có thể bị đứt gãy".
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, đối với các doanh nghiệp có nhà máy, kho bãi sản xuất ở "vùng xanh" và người lao động cũng ở "vùng xanh" trong bán kính không quá 5 km nên cho doanh nghiệp chuyển từ sản xuất "3 tại chỗ" sang mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến". Doanh nghiệp lập danh sách, địa phương xác nhận cho người lao động đi từ nhà đến chỗ làm trên một cung đường duy nhất.
Bên cạnh đó, để mô hình sản xuất "1 cung đường, 2 điểm đến" được vận hành tốt, trạm y tế các xã nên phối hợp với doanh nghiệp thực hiện test nhanh hoặc xét nghiệm PCR mẫu gộp cho người lao động ngay tại nơi sản xuất theo định kỳ 3 ngày/lần và doanh nghiệp chịu chi phí này. Qua đó, hạn chế đông người tập trung về trung tâm y tế cấp huyện, giảm thời gian chờ đợi, đảm bảo an toàn phòng dịch.

"Tài xế, tài công ở địa phương khác khi vào tỉnh thì kiểm tra kỹ là đúng. Tuy nhiên, đối với tài xế, tài công và công nhân bốc vác trong tỉnh nên cho giá trị test nhanh có thời hạn 3 ngày để thuận tiện vận chuyển, phân phối hàng hóa xuống người dân", bà Dung kiến nghị.
Có thể nói, một trong những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là vấn đề vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Theo ông Nguyễn Phúc Thịnh, Tổng giám đốc Công ty nông nghiệp Trường Hải An Giang, tỉnh An Giang, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉnh thực hiện kiểm soát chặt phương tiện ra vào tỉnh đã gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp đưa lợn ra ngoài tỉnh bán giá thuê xe chỉ có 350.000 đồng/tấn nhưng khi qua chốt kiểm soát dịch bệnh tại trạm T2- thành phố Long Xuyên phải tốn thêm 800.000 đồng gồm chi phí test và lưu xe. Điều này làm cho các doanh nghiệp, thương lái ngần ngại khi đến An Giang mua hàng và doanh nghiệp chỉ bán được lợn trong tỉnh mà không thể di chuyển ra ngoài được. Mặt khác, khi các phương tiện giao thông vào An Giang qua chốt kiểm soát dịch bệnh tại trạm T2 còn phải xuất trình nhiều giấy tờ liên quan, thậm chí tài xế và phụ xế đi cùng phải test nhanh COVID-19, điều này gây mất thời gian, khiến giao thông ùn ứ”, ông Nguyễn Phúc Thịnh cho biết.
Từ thực tế trên, ông Thịnh kiến nghị UBND tỉnh An Giang sớm có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ, đảm bảo chuỗi logistics trong vận chuyển hàng hóa được lưu thông thông suốt.
Ở khía cạnh khác, ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, một trong những khó khăn doanh nghiệp bây giờ là làm lại từ đầu, không có thị trường, không có vốn, đầu vào và đầu ra đều giảm nên doanh nghiệp phải đóng cửa. Hiện nay, các doanh nghiệp mong muốn có chính sách hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện có sức phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục