Đề cao tinh thần tự lực, tự cường để xây dựng nền kinh tế tự chủ

21:15' - 10/11/2020
BNEWS Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề quan trọng, mang tính thời sự được đồng bào, cử tri cả nước và dư luận xã hội quan tâm.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 10/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề quan trọng, mang tính thời sự được đồng bào, cử tri cả nước và dư luận xã hội quan tâm.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) về việc triển khai mục tiêu kép, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đưa ra mục tiêu xuyên suốt: “Ngăn chặn dịch bệnh không lây nhiễm ra cộng đồng, bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho nhân dân”. Đồng thời, để giữ nền kinh tế không bị âm, Việt Nam giữ vững ổn định xã hội, nhất là sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải quyết việc làm và tăng trưởng ở mức cần thiết. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần đề cao tinh thần tự lực, tự cường để xây dựng nền kinh tế tự chủ, với chuỗi cung ứng an toàn, bảo đảm an ninh lương thực; chú trọng thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế.

Theo Thủ tướng, cần tiếp tục đẩy mạnh thị trường trong nước cùng với xuất khẩu, giữ vững sản xuất nông nghiệp bởi nông nghiệp là nền tảng, là chỗ dựa trong lúc dịch bệnh phức tạp trên toàn cầu. Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ phải đồng bộ, tạo cân đối cho nền kinh tế; kết hợp với công nghiệp, kinh tế số và một số ngành du lịch, dịch vụ... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, vấn đề thay đổi phương thức làm việc; ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa là trọng tâm của thời đại sắp tới, làm thay đổi phương thức lao động, hướng đến phát triển kinh tế không tiếp xúc.

Về chất vấn của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) trong việc chậm triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã chủ động hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như giãn, giảm, miễn thuế, phí… Tuy nhiên, việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người lao động làm chưa kịp thời, chưa tốt. Thời gian tới, Chính phủ sẽ điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Với tính chất, phạm vi nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, có thể coi đây là bước đầu tổng kết, đánh giá cuối nhiệm kỳ đối với hoạt động giám sát của Quốc hội. Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm.

Ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện, hoàn thành các yêu cầu đã được Quốc hội đề ra, cũng như những giải pháp đã nêu tại phiên chất vấn của kỳ họp này.
Các giải pháp tập trung vào một số nhóm vấn đề cụ thể, trong đó có việc hoàn thiện thể chế pháp luật, nghiên cứu sớm trình Quốc hội ban hành các Luật để tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, đổi mới nền công chức, công vụ cần được đẩy mạnh, song song với việc tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa liên thông, thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chính phủ tăng cường hiệu quả, chất lượng đầu tư; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; có giải pháp bảo đảm cân đối ngân sách an toàn trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của thiên tai.
Trong các nhóm giải pháp, Quốc hội cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; sớm ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng; triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa. Đối với lĩnh vực giáo dục, các giải pháp được Quốc hội nêu ra gồm: Rà soát việc triển khai cơ chế tự chủ đối với các trường đại học; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng sách giáo khoa; giảm tải cho giáo viên và học sinh... Cùng với việc tích cực làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam cần khẩn trương đầu tư, nghiên cứu, sản xuất vaccine bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, chất lượng, an toàn.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả của phiên chất vấn sẽ là cầu nối giữa hai khóa Quốc hội, chuyển tải những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát; thể hiện vai trò, chức năng của Quốc hội trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra của nhiệm kỳ khóa XIV, tạo động lực, khí thế mới để đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Chiều 10/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Các đại biểu nhất trí cao với mục tiêu, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển qua các năm 2025 - 2030 tầm nhìn đến 2045 để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa được nhấn mạnh tại dự thảo Báo cáo chính trị.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, với bối cảnh, tiềm lực của đất nước hiện nay, để phát triển đảm bảo cả yêu cầu nhanh và bền vững, yếu tố then chốt phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, cần coi đổi mới sáng tạo là đặc trưng của giai đoạn tới. Điều này đòi hỏi sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, chấp nhận mô hình, cách làm đột phá để đem lại hiệu quả. Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và nâng cao năng lực khoa học công nghệ. 
Phát biểu tại phiên họp tổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về thể chế; đổi mới trong đường lối, chính sách; ứng dụng khoa học, công nghệ; đổi mới, sáng tạo và trọng dụng nhân tài là những yếu tố quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
"Mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Nhưng mục tiêu này không đơn giản nếu ta không có ý chí, quyết tâm. Mục tiêu cao như vậy, tăng trưởng cao như vậy thì tính khả thi thế nào? Ta không còn những vùng rừng núi chưa khai thác; nhưng còn rất nhiều tiềm lực quan trọng về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ. Về các đột phá chiến lược, không thể tách rời vai trò của khoa học công nghệ, vì như thế ta sẽ lạc hậu", Thủ tướng phân tích.
Do đó, Thủ tướng cho rằng, công nghệ về 5G, thương mại số, Chính phủ số..., Việt Nam phải làm nhanh, bởi nhiều nước đã phát triển xa. "Cho nên tôi kỳ vọng là những cách làm của chúng ta phải đổi mới hơn nữa, chứ không phải là làm việc kiểu cũ, thông tin, quyết sách lạc hậu, không kịp thời", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, trong nhiệm kỳ này, Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ trong cách làm. Người tài, người giỏi, người đứng đầu bộ máy tốt phải được trọng dụng. "Thu hút nguồn lực, quan trọng nhất là nguồn lực con người. Khâu đôn đốc, kiểm tra, sự nghiêm túc trong thực hiện quan trọng không kém. Thái độ nghiêm túc thì đất nước mới phát triển, người dân mới có niềm tin được"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục