Đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho thợ lò nhưng không giảm giờ làm

17:52' - 11/09/2019
BNEWS Theo đề xuất, công nhân lao động đủ 50 tuổi trở lên khi nghỉ việc được hưởng lương hưu nếu có đủ từ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.
Khai thác than ở doanh nghiêp thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã làm việc với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về tham gia ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ thực tiễn của ngành than.
Nhất trí phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 của Dự thảo “Kể từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 vào năm 2028”, song Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của công nhân khai thác than trong hầm lò như quy định hiện hành.

Như vậy, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc khai thác than trong hầm lò được giảm 12 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.
Theo đề xuất, công nhân lao động từ đủ 50 tuổi trở lên khi nghỉ việc được hưởng lương hưu nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.
Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam lý giải: Lao động làm việc khai thác than trong hầm lò chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động của tập đoàn này (hơn 21,5 ngàn người, chiếm 21,1% tổng lao động của Tập đoàn).

Điều kiện làm khai thác than trong hầm lò phải làm việc trong điều kiện chật hẹp, thiếu dưỡng khí, công việc thủ công, rất nặng nhọc, nguy hiểm, chịu tác động của bụi, ồn, CO2; thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn lao động do lở đất đá, sập hầm, bục nước, nhiễm độc khí mê-tan và mắc các bệnh nghề nghiệp phổ biến trong ngành khai thác mỏ như bệnh bụi phổi silic, bệnh bụi phổi amiăng, bệnh điếc nghề nghiệp…
Do đặc thù nghề nghiệp đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên tuổi đời và tuổi nghề bình quân của công nhân khai thác hầm lò thấp, rất ít thợ lò làm việc đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu.
Thống kê chưa đầy đủ, trong 3 năm (2016 – 2018), trong tổng số gần 700 thợ lò nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, có hơn 300 thợ lò nghỉ hưu trước tuổi, chiếm 45%. Độ tuổi của thợ lò nghỉ hưu sớm dao động khoảng từ 38 – 45 tuổi, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng từ đủ 20 năm đến 25 năm. Lý do khiến thợ lò nghỉ hưu sớm là sức khỏe giảm sút, tiền lương khi chuyển đổi nghề thấp, khó thích nghi chuyển sang làm các công việc khác phù hợp với sức khỏe.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đề xuất: Đối với công việc khai thác hầm lò, không giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn (không quá 44 giờ trong một tuần), mà giữ nguyên số giờ làm việc tiêu chuẩn như hiện nay là không quá 48 giờ trong một tuần.
Theo ông Lê Minh Chuẩn, đặc thù của ngành than phải sản xuất 3 ca liên tục trong ngày để đảm bảo sản xuất thông suốt, đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động nên không thể áp dụng giảm giờ làm cho toàn bộ doanh nghiệp mà chỉ có thể áp dụng cho một số đối tượng thuộc bộ phận gián tiếp.

Nếu giảm giờ làm việc, Tập đoàn sẽ cần tuyển dụng bù đắp số lượng lao động lớn trong khi tình hình tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, dù đơn vị đã tuyển dụng lao động tại các tỉnh xa, dân tộc thiểu số song vẫn không đủ bù đắp số thợ lò nghỉ việc, bỏ việc…
Chia sẻ với khó khăn trong việc tuyển dụng thợ lò, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang băn khoăn với đề xuất của ngành than về việc không giảm giờ làm, bởi giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của thế giới. Giảm giờ làm để người lao động có điều kiện chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động khác của xã hội.

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những năm qua, ngành than có nhiều cải cách khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động nên ngành than có nhiều điều kiện giảm giờ làm cho người lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thông tin đến công nhân ngành than đầy đủ hơn, hoàn chỉnh hơn về chủ trương tăng dần tuổi nghỉ hưu. Đây là chủ trương có tầm nhìn lâu dài hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ứng phó với xu hướng già hóa dân số, thu hẹp dần khoảng cách về giới… Bộ luật Lao động (sửa đổi) chủ yếu hướng tới chăm lo cho người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp thu đề xuất tuổi nghỉ hưu của ngành than. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với các lĩnh vực, ngành nghề nguy hiểm, độc hại sẽ được cơ quan làm luật xem xét điều chỉnh tùy vào từng đối tượng, từng khu vực cho phù hợp thực tiễn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục