Đề xuất "đăng ký ô tô phải mở tài khoản ngân hàng": Băn khoăn tính khả thi

12:55' - 03/07/2018
BNEWS Câu chuyện sở hữu ô tô phải có tài khoản ngân hàng không phải bây giờ Hà Nội mới kiến nghị mà đã được đề xuất từ năm 2016.

Liên quan đến việc UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Công an ban hành quy định về đăng ký ô tô; trong đó phải có tài khoản mở tại ngân hàng để khấu trừ đối với các trường hợp vi phạm giao thông được xử lý bằng hình thức “phạt nguội”, đã có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần lớn đều cho rằng chỉ là khuyến khích chứ không bắt buộc.

Liệu có khả thi?

Pháp luật hiện hành Việt Nam chưa có quy định buộc công dân phải mở tài khoản ngân hàng khi mua và đăng ký ô tô. Ảnh: TTXVN

Theo Luật sư Hoàng Hà, Văn phòng Luật sư Đại Nam (Hà Nội), pháp luật hiện hành Việt Nam chưa có quy định buộc công dân phải mở tài khoản ngân hàng khi mua và đăng ký ô tô. Đây chỉ là các giao dịch dân sự thể hiện trên sự thoả thuận giữa người mua và người bán xe. Hơn nữa, việc này cũng không khả thi vì người mua ô tô xong có thể bán ngay cho người khác.

Cùng quan điểm trên, Luật sư Đinh Thị Hòa, Công ty Luật Quốc tế DTH cho rằng, quy định này chưa hợp lý và không có khả năng thực hiện. Cụ thể, việc mở tài khoản ngân hàng là quyền của công dân chứ không phải nghĩa vụ, do đó, không thể ép buộc được vì: công dân phải mất tiền mở tài khoản và phải thanh toán chi phí để duy trì tài khoản đó.

Mặt khác, trong trường hợp mở tài khoản ngân hàng nhưng trong tài khoản đó không có tiền, không có giao dịch thì lấy tiền đâu để khấu trừ “phạt nguội”. Nếu ấn định số tiền trong tài khoản đó sẽ xâm phạm đến quyền tự do của công dân vì không có điều luật nào bắt buộc công dân phải có tài khoản ngân hàng và tiền duy trì trong ngân hàng.

Hoặc bắt buộc mở tài khoản ngân hàng mới được mua và đăng ký xe sẽ vi phạm quyền công dân trong hiến pháp và trái với quy định của Luật tổ chức tín dụng vì việc mở tài khoản là sự thoả thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng không thể đưa một quyết định hành chính can thiệp vào quan hệ dân sự.

Đặt lại vấn đề, Luật sư Hòa khẳng định, không phải 100% người tham gia giao thông đều vi phạm an toàn giao thông. Còn những trường hợp đi ẩu, lỗi tốc độ, lấn làn, vượt đèn đỏ, không có đầy đủ giấy tờ mang theo và vi phạm nhiều lần trong ngày hay trong tuần, mức phạt quá cả số tiền ấn định trong tài khoản thì cơ quan chức năng sẽ tính như thế nào?

Câu chuyện đăng ký ô tô phải mở tài khoản ngân hàng để khấu trừ vào “phạt nguội” không chỉ liên quan đến người tiêu dùng mà còn liên quan đến cả doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.

Anh Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Việt Hà (Hà Nội) chia sẻ, đây là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng, từ cá nhân, doanh nghiệp đến cơ quan nhà nước. Đơn cử như doanh nghiệp của anh có nhiều đầu xe, cả xe con và xe tải, anh em chạy xe luân phiên. Nếu phạt trực tiếp thì lái xe vi phạm đó phải chịu, còn “phạt nguội” khi lái xe đã nghỉ hay bỏ việc thì doanh nghiệp lại phải chịu. Chưa nói đến nhiều trường hợp vi phạm là lái xe thuê, hay phương tiện vi phạm là xe cho mượn.

Ở khía cạnh khác, anh Đỗ Toàn, chủ cơ sở cho thuê xe có lái và tự lái ở Xuân La lại đặt câu hỏi, trường hợp khách thuê xe tự lái vi phạm giao thông, cơ quan chức năng cứ thế trừ tiền “phạt nguội” từ tài khoản của mình trong khi lỗi này hoàn toàn là do khách gây ra thì không hợp lý lắm. Do đó, tùy theo trường hợp, cơ quan chức năng có thể đưa ra biện pháp phạt trực tiếp hay “phạt nguội” cho hợp lý với tình hình cụ thể.

Cần có lộ trình thực hiện

Câu chuyện sở hữu ô tô phải có tài khoản ngân hàng không phải bây giờ Hà Nội mới kiến nghị mà đã được đề xuất từ năm 2016. Anh Đỗ Toàn cũng cho hay, năm 2016, Công an Hà Nội từng đề xuất đến việc chủ xe ô tô phải mở tài khoản ngân hàng để “phạt nguội” khi cho rằng với người sở hữu ô tô thì việc có từ 10-20 triệu đồng trong tài khoản không phải là quá khó khăn.

Anh Toàn nhẩm tính, mỗi năm thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ gần 300.000 xe, mỗi tài khoản ít nhất 10 triệu đồng sẽ có tổng số tiền tương đương với 3.000 tỷ đồng/năm gửi vào tài khoản mà ngân hàng không phải huy động. Vậy số tiền này sẽ được cơ quan chức năng tính toán như thế nào với các khách hàng ?

Với tư cách là người tiêu dùng, anh Đình Quý ở Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cho rằng, ở các nước văn minh đã thực hiện hình thức “phạt nguội” từ lâu và Việt Nam cũng nên áp dụng. Chưa biết trong tài khoản phải có số tiền ấn định là bao nhiêu, nhưng quy định này giúp người vi phạm giao thông sẽ không bị mất nhiều thời gian cho việc đi đóng phạt. Tuy nhiên, cần có lộ trình để người dân quen, ban đầu khuyến khích chứ không nên bắt buộc. Khi thực hiện cần kết nối với tài khoản ngân hàng đang có của khách hàng chứ không nhất thiết phải mở tài khoản mới.

Mặc dù vậy, anh Quý cũng tỏ ra băn khoăn, ở các tỉnh thành phố trong cả nước đã và đang thu “phạt nguội” đến kỳ khi đăng kiểm xe. Cụ thể, khi chủ phương tiện đến đăng kiểm xe định kỳ sẽ nhận được thông báo bị “phạt nguội”, nếu chủ phương tiện không thanh toán khoản tiền phạt này đơn vị sẽ không đăng kiểm xe và xe sẽ không lưu hành được khiến chủ phương tiện phải thanh toán. Giải pháp này đang được coi là tối ưu. Nay nếu phát sinh thêm quy định mới cũng khiến người dân cảm thấy không hợp lý, đặc biệt là khi tiền trong tài khoản bị “đóng băng”.

Theo Luật sư Đinh Thị Hòa, quy định trên của thành phố Hà Nội không thể gọi là biện pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm giao thông mà cần phải tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người tham gia giao thông chứ không phải là ép buộc.

Luật sư Hoàng Hà cũng cho hay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán, giao dịch phổ biến trên thế giới và đang triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu bắt buộc người mua và đăng ký ô tô phải mở tài khoản ngân hàng cần được xem xét và thăm dò ý kiến của người dân để thể hiện tính dân chủ, sau đó là khuyến khích thực hiện.

Hoàn toàn ủng hộ việc mua và đăng ký ô tô có tài khoản để khấu trừ vào “phạt nguội” nhưng Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, nên tích hợp tài khoản hiện có của đơn vị kinh doanh vận tải và xe cá nhân. Trường hợp bắt buộc mở tài khoản mới với một số tiền ấn định nào đó, nhất thiết phải được tính lãi như hình thức gửi tiết kiệm ở ngân hàng, chứ không được phép “nhốt tiền” trong tài khoản đó. Quy định này nếu được thực hiện thì cần có lộ trình cụ thể, trước mắt là khuyến khích người mua và đăng ký ô tô mở tài khoản ngân hàng, sau đó mới thực hiện đồng loạt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục