Đề xuất giải pháp cụ thể tránh đứt gãy nguồn cung hàng hoá

13:05' - 21/08/2021
BNEWS Dịch bệnh đang khiến việc kết nối cung cầu hàng hóa ở nhiều địa phương phía Nam gặp khó khăn. Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều kiến nghị để góp phần kết nối chuỗi cung ứng này.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nguồn cung hàng hóa thiết yếu của địa phương đến từ 2 nguồn tự sản xuất trong tỉnh và từ các tỉnh lân cận gồm Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, các tỉnh miền Tây, thông qua các đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh đưa hàng hóa thiết yếu về mỗi ngày phục vụ cho người dân. Tuy nhiên nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và áp dụng Chỉ thị16/CT-TTg kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa.
Không chỉ vậy, địa phương chưa có trạm trung chuyển hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo lưu thông tốt hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại địa phương. Điều này đã gây khó khăn trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, sau khi đăng thông tin kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lên các kênh thông tin, nhất là các trang thương mại điện tử, hệ thống siêu thị Vinmart tại Tp. Hồ Chí Minh đã liên hệ kết nối tiêu thụ cá nuôi lồng bè tại sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.
Tuy nhiên hệ thống siêu thị Vinmart yêu cầu chủ cơ sở phải vận chuyển phân phối hàng hóa đến từng cửa hàng trong chuỗi siêu thị của Vinmart tại Tp. Hồ Chí Minh gồm 18 cửa hàng.
Do đó, người nuôi trồng thủy sản nhận thấy việc vận chuyển phân phối hàng hóa như vậy sẽ không kịp hoàn thành trước giờ giới nghiêm của thành phố vào 18h hàng ngày nên không thể kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Không những thế, các hệ thống siêu thị yêu cầu cơ sở phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng ngay sau khi nhập hàng nhưng các hộ nuôi trồng thủy sản đều là hộ cá thể, không có hóa đơn giá trị gia tăng cũng gây khó khăn trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Báo cáo cũng nêu rõ, bước vào chính vụ trái cây nhãn và thanh long với sản lượng 2.000 – 3.000 tấn nhãn, thanh long 200 – 500 tấn. Tuy nhiên, do sản lượng nhiều nên việc kết nối, tiêu thụ còn chậm, hàng ngày tiêu thụ được khoảng 60 – 80 tấn, dẫn đến sản lượng tồn, giá thấp. Hơn nữa, người nông dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống siêu thị, bách hóa xanh do yêu cầu đầu vào của các hệ thống này nghiêm ngặt.
Cùng với đó, tại tỉnh Đồng Nai, nhân viên phục vụ siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng cố định lưu động hiện gặp rất nhiều khó khăn trong di chuyển bởi quy định không ra khỏi nhà trong thời gian từ 18h00 đến 6h00.
Mặt khác, việc tiêu thụ một số sản phẩm và nông sản trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về đầu ra, không tiêu thụ được như sản phẩm hạt điều, đậu phộng tẩm gia vị, chôm chôm, thanh long, thịt lợn, nấm bào ngư xám…
Cũng gặp nhiều khó khăn không kém, các loại hình thương mại, dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã và đang bị hạn chế dần và dừng hoạt động trong những tháng gần đây.
Cụ thể, các chợ đầu mối phía Nam dừng hoạt động; chợ và các cửa hàng, cửa hiệu giảm sức mua so với ngày thường. Ngoài ra, các chương trình, hoạt động, sự kiện, hội nghị không thể tổ chức… khiến cho hoạt động phân phối, tiêu thụ hàng hóa bị đứt gãy cục bộ, gián đoạn đi qua từng địa bàn cách ly, phong tỏa, dẫn đến giá trị thương mại bị ảnh hưởng, có nguy cơ sụt giảm phát trong thời gian tới.Để tiếp tục kết nối cung cầu chuỗi cung ứng, Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thiết yếu cũng như có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho bảo quản sản phẩm nông lâm sản và thủy sản.
Trong trường hợp đứt gãy hoàn toàn nguồn cung trong tỉnh, Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ điều tiết, phân phối hàng hóa thiết yếu từ các kho hàng tại các tỉnh, thành phố khác về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời, hỗ trợ kết nối vào các chuỗi phân phối.
Cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Sở Công Thương Đồng Nai Kiến nghị Bộ Công Thương hướng dẫn chung cho nhân viên siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích được đi từ 4h30-6h sáng để nhân viên chuẩn bị hàng hóa và mở cửa bán lúc 6h00 và về muộn lúc 20h để có thời gian đóng cửa kiểm hàng, đóng quầy, tăng thời gian phục vụ cho người dân.
Trước những kiến nghị của các địa phương, dưới sự kết nối của Bộ Công Thương, “Tuần lễ nông sản và đặc sản miền Tây” đã được tổ chức từ ngày 20/8 – 5/9 tại chuỗi siêu thị VinMart/VinMart+. Theo đó, hàng chục loại trái cây, rau củ tươi ngon, bổ dưỡng của các tỉnh miền Tây Nam bộ như bưởi hồng da xanh, cam xoàn, rau củ quả… sẽ được áp dụng mức giá ưu đãi hấp dẫn trên toàn hệ thống VinMart/VinMart+ ở miền Bắc, miền Nam và Tp. Hồ Chí Minh.
Trước đó, Tổ công tác đặc biệt đã liên hệ nhanh với một số doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng hóa, Sở Công Thương các tỉnh, thành phía Nam để nắm bắt vấn đề về khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu.
Trên cơ sở tổng hợp những vấn đề vướng mắc tại các địa phương về vận chuyển, lưu thông hàng hóa, Tổ công tác đã tham mưu đề xuất một số kiến nghị tại buổi làm việc (trực tuyến) giữa Bộ Công Thương với Bộ Giao thông Vận tải để tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện xuyên suốt, thống nhất chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hóa, trừ hàng cấm kinh doanh theo quy định. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố các phía Nam trao đổi, thống nhất mẫu giấy đi đường để các doanh nghiệp thực hiện; kiến nghị Bộ Y tế cần chỉ đạo thống nhất quy định xét nghiệm test nhanh hoặc PCR trong vòng 72 tiếng đối với lái xe tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải ban hành hướng dẫn chi tiết phương tiện chở chuyên gia đi giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lưu thông giữa các vùng xanh- vùng cam- vùng đỏ; chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải các địa phương rút ngắn thời gian cấp QR phân luồng xanh cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời chỉ đạo đơn vị quản lý phần mềm http://luongxanh.drvn.gov.vn tự động gia hạn cho các phương tiện đã được cấp mã QR tại các tỉnh, thành vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục