Đề xuất hỗ trợ gần 740 tỷ đồng khắc phục công trình xung yếu khẩn cấp

22:13' - 17/10/2020
BNEWS Tối 17/10, theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đợt mưa lũ đặc biệt lớn từ ngày 6-17/10 và hoàn lưu bão số 6 gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh ước tính hơn 1.126 tỷ đồng.
Lực lượng cứu nạn tìm kiếm người mất tích tại khu vực nhà kiểm lâm ở Tiểu khu 67. Ảnh: TTXVN phát
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 1.000 tấn gạo; 2 tấn lương khô; 10.000 thùng mỳ tôm; 20 tấn hóa chất benkocid để phục vụ công tác tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ; đồng thời hỗ trợ 2 tấn giống rau, 5 tấn giống ngô; 30 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng; 2 triệu liều vắc xin cúm gia cầm; hỗ trợ khẩn cấp nguồn vốn ngân sách trung ương để xử lý, khắc phục các công trình xung yếu khẩn cấp khoảng 738 tỷ đồng.

Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, đợt mưa lũ đặc biệt lớn vừa qua đã gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Theo thống kê, có 27 người chết (12 người chết do mưa lũ; 2 công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3; 13 người trong đoàn công tác tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67); 15 người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3; bị thương 8 người.

Trong đợt lũ đặc biệt lớn này, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 84.963 nhà bị ngập lụt từ 1,0-2,5m, một số nơi cao hơn; hơn 332 ha hoa màu, 150 ha sắn, 1 ha cây ăn quả, 10 ha đất trồng hoa và 10.000 chậu hoa các loại bị hư hại; 91 gia súc và 57.357 con gia cầm bị chết, bị trôi. 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh sạt lở hơn 34 km tuyến đê xung yếu, sạt lở bờ biển hơn 10 km, hư hỏng các công trình giao thông; đặc biệt, sạt lở nghiêm trọng tuyến đường 71 (Phong Điền - A Lưới), tuyến đường Quốc lộc 49A, Quốc lộ 49B gây đặc biệt khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền các cấp đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán 12.075 hộ với 37.190 khẩu. Đến chiều 16/10, các hộ dân đã cơ bản về nhà, chỉ còn lại một số hộ neo đơn, già yếu và các đối tượng dễ bị tổn thương tiếp tục ở lại các khu an toàn phòng chống mưa lũ trong những ngày tới.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh huy động 100% cán bộ, chiến sĩ, phương tiện phục vụ công tác ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn cho người dân, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục khẩn cấp các thiệt hại.

UBND tỉnh Thừa thiên - Huế đã xuất cấp và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 thùng mỳ tôm từ dự trữ lương thực phòng, chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ di dời phòng tránh mưa lũ và 20 xuất hàng hỗ trợ khẩn cấp cho thủy điện Rào Trăng 3./.

>>Các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục