Đề xuất tăng gấp đôi tiền phạt vi phạm hành chính trong xây dựng

15:52' - 30/09/2020
BNEWS Dự thảo Nghị quyết hiện đang được công bố công khai trên trang web của Sở để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, cho ý kiến trước khi trình HĐND thành phố Hà Nội thông qua.
Theo tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, căn cứ các quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Sở đã dự thảo Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng (theo quy định tại khoản 2, Điều 20 Luật Thủ đô).

Dự thảo Nghị quyết hiện đang được công bố công khai trên trang web của Sở để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, cho ý kiến trước khi trình HĐND thành phố Hà Nội thông qua.

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết này là quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở ở nội thành Hà Nội.

Nghị quyết sẽ áp dụng đối với các hành vi được quy định tại khoản 2 Điều 14; khoản 1, khoản 2, các điểm b và c khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều 15; các điểm a và c khoản 4 Điều 16; khoản 1, các điểm b và c khoản 2, khoản 3 Điều 30; điểm b khoản 5 Điều 32 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Đáng chú ý, mức tiền phạt quy định đối với hành vi vi phạm hành chính trong dự thảo Nghị quyết sẽ bằng 02 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt với tổ chức.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định, đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình nếu vi phạm quy định về khởi công xây dựng công trình như: thiếu một trong các điều kiện sau, trừ trường hợp khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ như mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ dự án; thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình đã được phê duyệt; hợp đồng thi công xây dựng được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu; biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng thì phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.

Trường hợp vi phạm quy định về trật tự xây dựng như tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định, phạt từ 2-60 triệu đồng.

Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận; gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác, phạt từ 40- 80 triệu đồng.

Tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới phạt tiền từ 40-120 triệu đồng; thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng phạt từ 40-120 triệu đồng; xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng phạt từ 80-100 triệu đồng.

Đáng lưu ý, nếu dự thảo Nghị quyết mới này được thông qua sẽ phạt tiền từ 200-240 triệu đồng đối với một trong các hành vi cụ thể sau: xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; xây dựng công trình sai cốt xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông trừ trường hợp quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này); xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Riêng hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì số tiền phạt lên tới 700 triệu đồng. Hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm mức phạt cao nhất là 2 tỷ đồng, thấp nhất 40 triệu đồng.

Đối với chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), nhà thầu, tổ chức, cá nhân khác nếu vi phạm quy định về trật tự xây dựng (theo hành vi quy định tại Điều 30 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP) thì mức phạt cao nhất là 240 triệu đồng.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong trường hợp có sự điều chỉnh Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, trường hợp mức xử phạt các hành vi trong Nghị quyết cao hơn nhưng không quá 2 lần so với mức xử phạt đối với các hành vi tương ứng trong Nghị định mới thì vẫn áp dụng mức xử phạt tại dự thảo Nghị quyết này. Các trường hợp còn lại thì UBND thành phố tổ chức nghiên cứu, xem xét trình Hội đồng nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị quyết cho phù hợp./.

>>Phạt vi phạm về thuế Công ty cổ phần Xi măng Sài Sơn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục