Đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế lên 6%

18:29' - 18/12/2019
BNEWS Ngày 18/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và xin ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.
Bệnh nhân được hướng dẫn thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng, Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và tổ chức thực hiện. Nhiều đại biểu cũng đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ.

Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi lần này là mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng được đề nghị điều chỉnh tăng bằng 6% (hiện mức đóng là 4,5%), trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Dự thảo Luật cũng yêu cầu tất cả thành viên thuộc hộ gia đình phải tham gia cùng một thời điểm thay vì có thể tham gia từng cá nhân như hiện nay. 

Mức đóng bảo hiểm y tế của thành viên thứ hai trong gia đình sẽ bằng 80% (hiện nay chỉ là 70%). Như vậy, cùng với các đợt tăng lương cơ sở đều đặn, mức đóng bảo bảo hiểm y tế thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Hiện nay, lương cơ sở đang là 1.490.000 đồng, với mức đóng 4,5%, tương đương mức đóng bảo hiểm y tế là 804.000 đồng/năm. Nếu tăng lên 6%, mức đóng sẽ lên gần 1.100.000 đồng.

Bổ sung vào nội dung này, ông Nguyễn Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu đề xuất bỏ tất cả các mức đồng chi trả của bảo hiểm y tế là 80%, 95% hay 100% như hiện nay. Thay vào đó, bảo hiểm y tế chỉ nên tồn tại một mức chi trả duy nhất là 100% cho tất cả các đối tượng và nâng mức phí đóng lên 20% lương cơ sở. Nếu tính 20% của mức lương cơ sở như đề xuất của ông Nguyễn Minh Tùng, mức phí bảo hiểm y tế của một người phải đóng tương đương 3.576.000 đồng/năm.

“Chỉ nên có một mức chi bảo hiểm y tế duy nhất cho người dân và cứ đi bệnh viện là được bảo hiểm thanh toán hết thì người dân mới có lòng tin và các cơ sở y tế mới an tâm chữa bệnh sao cho hiệu quả, không còn phải lo bảo hiểm y tế thanh toán hay không”, ông Nguyễn Minh Tùng nêu ý kiến.

Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế công tác giám định bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc về quy trình, nội dung giám định, phương pháp và công cụ giám định. Việc giám định còn thiếu các quy định về chuyên môn trong khám chữa bệnh cũng như hạn chế về năng lực của người làm giám định là những vấn đề tồn tại lâu dài chưa được khắc phục. 

Bên cạnh đó, quy trình, tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá sự hợp lý của việc sử dụng dịch vụ y tế chưa thực sự chặt chẽ. Việc đề xuất thành lập cơ quan giám định bảo hiểm y tế độc lập, tách khỏi cơ quan Bảo hiểm xã hội hiện nay được đông đảo đại biểu ủng hộ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau 5 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế, số người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng gia tăng, hiện tỷ lệ bao phủ của cả nước đã đạt 90% dân số. Tính riêng từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.

Chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được cải thiện. Nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được bảo hiểm y tế chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. 

Chính sách bảo hiểm y tế đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi./.

>>> Khai trương cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội kết nối hệ thống thông tin hộ tịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục