Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho bất động sản nghỉ dưỡng

15:03' - 21/03/2022
BNEWS Công bố mở cửa du lịch ngày từ 15/3 đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho việc phục hồi ngành công nghiệp không khói, đồng thời đem lại nhiều động lực để khôi phục nền kinh tế hậu COVID-19.

Song, tại thời điểm này, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vẫn đang chờ đợi để được tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý.

 

Là địa phương sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên quý, giai đoạn 2013-2017, nhằm tăng tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư phát triển du lịch, Khánh Hòa đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho một số dự án tại địa bàn Bắc bán đảo Cam Ranh có một phần diện tích là đất ở nông thôn (không hình thành đơn vị ở) để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp được giải thích về loại hình đất ở tại nông thôn thuộc một trong ba nhóm đất theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai- nhóm đất phi nông nghiệp. Tỉnh đặt ra điều kiện đất ở du lịch không được đăng ký hộ khẩu, không hình thành nên các khu dân cư, làng xóm, nói cách khác là “không hình thành đơn vị ở”.

Điều này được hiểu là phần Đất ở (đất ở nông thôn) được quy định theo Luật Đất đai, người mua được sở hữu lâu dài, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng chỉ phục vụ vào mục đích kinh doanh dịch vụ, du lịch.

Nhờ cú huých này, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã có hơn 40 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 30.000 tỷ đồng, trong đó có các thương hiệu tên tuổi như Vingroup, Eurowindow Holding, Hưng Thịnh, Novaland, CEO Group, Golf Long Thành…

Nhiều dự án đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành khai thác như Vinpearl Resort & Spa Long Beach Nha Trang, Cam Ranh Riviera Beach Resort and Spa, Movenpick Resort Cam Ranh, Radisson Blu Resort Cam Ranh, Duyên Hà Cam Ranh Resort…

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều dự án như: Movenpick Resort Cam Ranh, The Arena Cam Ranh… mặc dù đã hoàn thành, được nghiệm thu PCCC và đưa vào sử dụng cách đây vài năm, chủ đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất nhưng nhà đầu tư thứ cấp vẫn “mòn mỏi” chờ cấp sổ đỏ.

Chính điều này đã khiến khách hàng bức xúc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng về uy tín, thiệt hại tài chính do ảnh hưởng đến quá trình vận hành khu nghỉ dưỡng.

Đề cập đến một trong những “nút thắt” là rào cản phát triển BĐS nghỉ dưỡng hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) đã thừa nhận “Mặc dù Chính phủ muốn tăng cường phát triển hạ tầng, muốn tăng cơ sở lưu trú, phục hồi du lịch sau COVID-19, nhưng hệ thống pháp luật chưa đầy đủ đang là nghịch lý khiến thị trường bất động sản du lịch “đóng băng” suốt 2 năm qua”.

Theo Quyết định 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2030, dự kiến lượng du khách quốc tế trong vài năm tới sẽ đạt ngưỡng 25 triệu - 30 triệu lượt, tăng 80% so với cuối năm 2019.

Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thúc đẩy phát phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, đồng ý mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam từ 15/3 trong nỗ lực phục hồi du lịch, BĐS nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, sự thiếu nhất quán trong thực thi chính sách pháp luật đang trở thành rào cản cho sự phát triển du lịch và BĐS nghỉ dưỡng. 

“Trong bối cảnh tỷ lệ tồn kho tăng cao như hiện nay, nhiều chủ đầu tư đang chờ đợi Chính phủ tạo ra một bước đột phá trong việc đồng bộ hệ thống pháp luật, nhất là việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 cần phải được thực hiện gấp rút để bất động sản du lịch phục hồi”, ông Đính nói.

Cũng đồng quan điểm, cho rằng “điểm nghẽn” pháp lý đang khiến toàn bộ thị trường BĐS du lịch bị ngưng trệ, ông Đặng Hùng Võ- Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ví dụ câu chuyện các địa phương như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc, Phan Thiết (Bình Thuận)… ban hành chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các dự án BĐS nghỉ dưỡng trên đất ở nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) nhưng thực thi chính sách không nhất quán, khiến doanh nghiệp e dè triển khai dự án, nhà đầu tư ngần ngại không dám vào, tạo môi trường đầu tư yếu kém.

Ông Võ cho rằng, mặc dù thuật ngữ “đất ở không hình thành đơn vị ở” chưa có trong luật quy định hiện hành song cần có giải pháp tháo gỡ cho loại hình bất động sản này để khơi thông, “phá băng” thị trường BĐS cũng như tạo đà phục hồi phát triển du lịch. 

“Tôi đồng tình với ý kiến của một số địa phương đề xuất phương án: những dự án đã được cấp Giấy chứng nhận theo loại hình đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) nhưng chưa triển khai xây dựng sẽ chuyển sang đất thương mại dịch vụ; các dự án đã xây dựng và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đất ở tại nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài cho các nhà đầu tư thứ cấp (khách hàng mua biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng) – ông Võ nhấn mạnh.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (Horea), để giải quyết câu chuyện không nhất quán trong thực thi chính sách ở các địa phương, cần hài hòa lợi ích các bên, vừa gỡ khó cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư thứ cấp, tạo môi trường đầu tư minh bạch.

Để giải quyết triệt để, các địa phương cần tổ chức đối thoại ba bên giữa chính quyền – doanh nghiệp và khách hàng, như vậy, Việt Nam mới phục hồi được các ngành kinh tế (bao gồm cả du lịch) sau những ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Theo một số luật gia, đã đến lúc các nhà làm luật cần phải luật pháp hóa loại hình đất ở tại nông thôn với điều kiện không hình thành đơn vị ở bằng văn bản cụ thể, quy định rõ ràng để cơ quan nhà nước và doanh nghiệp có cơ sở thực hiện, tránh gây khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, các doanh nghiệp cũng như người mua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục