Địa vị "thủ đô sự kiện" châu Á của Hong Kong (Trung Quốc) bị "lung lay"

05:30' - 22/09/2022
BNEWS Từ trước đến nay, được coi là nơi hội tụ văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây, Hong Kong (Trung Quốc) được các giới bên ngoài mệnh danh là "thủ đô sự kiện".

Vừa qua, Viện nghiên cứu Fraser của Canada đã công bố "Báo cáo thường niên 2022 về mức độ tự do kinh tế thế giới", trong đó tiếp tục đánh giá Hong Kong (Trung Quốc) là nền kinh tế tự do nhất toàn cầu. Đây có thể được xem là một tín hiệu tích cực đối với chính quyền Khu hành chính đặc biệt này. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là một lợi thế lâu dài khác của Hong Kong lại đang vô tình gióng lên hồi chuông cảnh báo. Đó chính là địa vị "thủ đô sự kiện châu Á" của Hong Kong.

Cú sốc nghiêm trọng đối với "thủ đô sự kiện" của châu Á

Từ trước đến nay, được coi là nơi hội tụ văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây, mỗi năm Hong Kong đều tổ chức nhiều loại hình hội chợ triển lãm, thi đấu đỉnh cao, hoạt động biểu diễn nghệ thuật mang tính quốc tế khác nhau và được các giới bên ngoài mệnh danh là "thủ đô sự kiện".   

Do đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế là một trong những điều kiện tiên quyết của mỗi đô thị quốc tế, nên với tư cách là "thủ đô sự kiện" của châu Á, bên cạnh việc thu hút được nhiều du khách nước ngoài đến du lịch, Hong Kong cũng gián tiếp củng cố vị thế đô thị quốc tế của mình.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong gần 3 năm qua đã hạn chế sự đi lại của người dân trên khắp thế giới và điều này đã tạo ra cú sốc nghiêm trọng đối với "thủ đô sự kiện" của châu Á.

Theo ước tính của chính quyền Hong Kong, kể từ tháng 2/2020 đến nay, Hong Kong đã hoãn hoặc hủy bỏ hơn 200 cuộc triển lãm, một số hội nghị quốc tế lớn chuyển sang tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Sau mùa Thu năm nay, một số hoạt động và sự kiện thường xuyên diễn ra ở Hong Kong trước đây cũng tiếp tục bị hủy bỏ. 

Chẳng hạn vừa qua, nhà tổ chức giải vô địch đua thuyền rồng quốc tế 2023 tại Hong Kong đã tuyên bố sẽ chuyển sang tổ chức ở Thái Lan sau một cuộc họp đặc biệt, nguyên nhân là Hong Kong vẫn áp dụng chính sách cách ly "3+4", gây bất tiện cho các vận động viên và người nhà.

Bên cạnh đó, một tin xấu khác lại xuất hiện vào cuối tuần qua. Hiệp hội điền kinh Hong Kong, đơn vị tổ chức giải Marathon Standard Chartered, vừa thông báo chưa nhận được sự phê duyệt của Hong Kong do các vận động viên không có đủ thời gian chuẩn bị nên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy bỏ giải đấu vào tháng 11 năm nay.  

Đến nay giải Marathon Standard Chartered đã được tổ chức hơn 20 năm, mỗi năm đều quy tụ một lượng lớn vận động viên chuyên nghiệp tham gia, trở thành sự kiện chạy đường dài được quốc tế quan tâm. Việc Hiệp hội điền kinh Hong Kong hủy bỏ sự kiện thể thao quốc tế quy mô lớn trong năm nay chắc chắn sẽ là một đòn giáng mạnh đối với chính quyền Hong Kong, vốn luôn nhấn mạnh cần nâng cao hình tượng quốc tế.

Vấn đề khiến mọi người lo ngại hơn là hiện vẫn chưa biết liệu các sự kiện quốc tế khác đã được lên kế hoạch vào nửa cuối năm nay tại Hong Kong có thể được tổ chức thành công hay không.

Lấy sự kiện thể thao quốc tế có thương hiệu của Hong Kong - Giải World Rugby Sevens làm ví dụ, giải đấu này đã ngừng tổ chức trong ba năm do dịch bệnh và trước đó đã tuyên bố sẽ khởi động lại vào tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, sự kiện thi đấu sẽ diễn ra dưới phương thức quản lý khép kín, khán giả chỉ có thể giải khát tại chỗ ngồi của mình, không được ăn, hơn nữa phải ăn ở khu vực ăn uống được chỉ định.  

Trước đây, rất nhiều người nước ngoài đến Hong Kong để thưởng thức môn thể thao này, hóa trang và thân thiện với nhau ở sân vận động, không khí hết sức náo nhiệt. Hiện nay, chính quyền Hong Kong yêu cầu vận động viên và khán giả đều phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu phòng dịch, ảnh hưởng rất lớn đến bầu không khí hiện trường của trận đấu. Điều này e rằng sẽ không có tác dụng nhiều trong việc nâng cao hình ảnh quốc tế của Hong Kong.

Ngoài ra, tháng 11 năm nay, chính quyền Hong Kong sẽ tổ chức hội nghị đầu tư của các nhà lãnh đạo tài chính quốc tế trong vòng hai ngày. Theo Bloomberg News, hiện nay chỉ có lãnh đạo cao cấp của 20 tổ chức tài chính lớn cam kết tham dự.

Nếu các nhà quản lý cao cấp của các tổ chức tài chính lớn không đến Hong Kong tham dự hội nghị, thì e rằng địa vị trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong sẽ một lần nữa bị hoài nghi.       

Trên thực tế, việc Hong Kong không mở cửa với bên ngoài trong ba năm qua do dịch bệnh bùng phát khắp thế giới là điều có thể thấu hiểu. Tuy nhiên, trong khi gần đây các nước đã lần lượt dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch thì Hong Kong vẫn tiếp tục thực hiện chính sách phòng dịch nghiêm ngặt. Điều này hiển nhiên khiến sức hấp dẫn của Hong Kong đối với giới doanh nhân quốc tế giảm mạnh, thậm chí địa vị "thủ đô sự kiện" cũng bị đe dọa.

Phòng chống dịch hay khôi phục hoạt động bình thường?

Liên tục những tháng qua, mong muốn khôi phục hoạt động bình thường của các giới trong xã hội Hong Kong, đặc biệt là giới doanh nhân, ngày càng mạnh. Vừa qua, doanh nhân bất động sản Ngô Quang Chính (Kwong-ching), người từng tham gia tranh cử vị trí người đứng đầu Hong Kong, và cựu Tổng Thư ký hành chính Hong Kong Đường Anh Niên (Henry Tang Ying Yen), đã công khai kêu gọi Hong Kong nhanh chóng thông quan với nước ngoài, không cần chờ đến tháng 11 mới nới lỏng. Tuy nhiên, nội bộ chính quyền Hong Kong dường như vẫn có tiếng nói cho rằng tình hình dịch bệnh Hong Kong vẫn nghiêm trọng, tạm thời chưa thể nới lỏng.    

Những lo lắng của chính quyền Hong Kong không phải không có căn cứ, quả thực di chứng hậu dịch COVID-19 tại đây là nghiêm trọng hơn nhiều so với dịch cúm bình thường. Tuy nhiên, chính sự lo lắng này của chính quyền đã khiến cho người dân Hong Kong rơi vào tình cảnh khó khăn "Con lừa của Buridan".

Đối diện với dịch bệnh, trước mắt Hong Kong chỉ có thể lựa chọn một trong hai, hoặc là phòng chống dịch hoặc là khôi phục hoạt động bình thường. Nếu lựa chọn chống dịch thì phải trả giá về kinh tế. Ngược lại, nếu khôi phục hoạt động bình thường cũng như thông quan với nước ngoài thì rủi ro sức khỏe của người dân cũng sẽ tăng đáng kể.

Chính quyền Hong Kong luôn tuyên bố sẽ tiếp tục tìm cách đạt được sự cân bằng giữa phòng dịch và phục hồi quan hệ với bên ngoài, với ẩn ý là muốn vẹn toàn cả hai. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng kết quả sẽ chỉ là giống như một "Con lừa của Buridan" khi đứng giữa hai đống cỏ khô chất lượng ngang nhau mà không thể quyết định sẽ ăn đống nào và cuối cùng chết đói.    

Xét từ tình hình hiện nay, việc chung sống lâu dài với virus SARS-CoV-2 có xác suất rất lớn, cộng thêm việc virus không ngừng suy yếu nên áp dụng biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt lâu dài là điều không khả thi.

Nếu Hong Kong muốn khôi phục sức cạnh tranh quốc tế, giữ vững địa vị "thủ đô sự kiện", thì Hong Kong cần phải nhanh chóng thông quan với nước ngoài, không nên kéo dài đến tháng 11 mới quyết định.

Đương nhiên, chính quyền Hong Kong cũng cần tăng cường nỗ lực khuyến khích người cao tuổi đi tiêm phòng càng sớm càng tốt để hạ thấp rủi ro đối với sức khỏe sau khi mở cửa trở lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục