HoREA đề xuất sớm rà soát và kết luận đối với các dự án vướng thanh tra kéo dài

17:02' - 10/03/2020
BNEWS Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ nội dung trên nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp bất động sản.
Một góc chung cư 86 Tản Đà, quận 5. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Theo dẫn chứng của HoREA, từ năm 2017 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 158 dự án, mặt bằng kinh doanh có sử dụng đất công, thuộc diện rà soát, do trước đây, cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác.

Mặc dù lãnh đạo thành phố và các cơ quan Trung ương đã cho phép 124 dự án được vận hành trở lại bình thường kể từ tháng 3/2019, nhưng trên thực tế, nhiều dự án vẫn chưa thực sự được hoạt động bình thường.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết thêm, hiện cũng có rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang chờ được tháo gỡ tại các dự án bị "tạm dừng" kéo dài do những quy định chồng chéo nhau trong các văn bản Luật; trong đó, có những dự án bị đóng băng từ 10 - 12 năm do những vướng mắc liên quan đến quá trình phê duyệt thủ tục hành chính của các cơ quan có thẩm quyền.

Điển hình như Tập đoàn Novaland kiến nghị được tháo gỡ cho dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh, Quận 2 vì đã đầu tư 6.000 tỷ đồng vào dự án này nhưng không thể triển khai do vướng rà soát liên quan đến thủ tục đấu giá đất công. Sự đình trệ kéo dài của dự án đã ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Không riêng gì các dự án nhà ở thương mại, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành cũng kiến nghị được tháo gỡ vướng mắc tại dự án nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân (khung cho thuê có thời hạn 49 năm). Dự án này được triển khai xây dựng từ năm 2017 với quy mô 930 căn hộ trên khu đất.

Với các dự án chậm tiến độ do vướng thanh tra, HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục thực hiện dự án để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

HoREA khẳng định, việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý tại dự án là rất cần thiết để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bất cập cũng được HoREA chỉ ra là quá trình rà soát, thanh tra đồng thời tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp cũng như môi trường kinh doanh. Do đó, tiến trình rà soát cần được đẩy nhanh và sớm đưa ra kết luận để doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án hoặc có phương án xử lý để tránh lãng phí tài nguyên.

Không chỉ các doanh nghiệp có dự án bị “vướng” do rà soát kéo dài mà nhiều đơn vị phản ánh đang có những quy định chồng chéo, bất cập trong các văn bản mới được ban hành. Cụ thể như việc thiếu các quy định rõ ràng về giải quyết đất công, dự án vướng đất hỗn hợp, đất xen cài manh mún... khiến cho doanh nghiệp “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” và họ không biết sẽ phải gỡ nút thắt từ đầu mối nào.

Chung vướng mắc giống các doanh nghiệp bất động sản phía nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP Invest cho hay, dự án 50 ha ở Việt Trì (Phú Thọ) mà công ty này “đeo đuổi” suốt 12 năm nay (từ 2008); thậm chí, trải qua 5 đời chủ tịch của tỉnh mà vẫn vướng chuyện giải phóng mặt bằng và hiện một số hộ vẫn không chấp nhận giá đền bù.

GP Invest cho biết hiện đã rót vào dự án này khoảng 90 tỷ đồng nhưng cũng chưa biết đến khi nào mới thu hồi được.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, các doanh nghiệp đang gặp khó trong vấn đề thủ tục triển khai dự án. Hiện doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đang bị chi phối bởi 10 bộ luật như: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật kinh doanh nhà ở, Luật Đất đai, Luật Bất động sản, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư... Đây được xem như một “ma trận” bởi nếu đúng luật này thì sai luật khác.

Có dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 4/2018. Khi tất cả thủ tục quy hoạch, kiến trúc đã xong hết, đến khâu quyết định giao đất, người phụ trách của cơ quan quản lý trả lời "mâu thuẫn với Luật Đất đai, do đó chỉ có thể bỏ hoặc làm lại từ đầu". Bởi vậy, doanh nghiệp đành chọn cách thực hiện hồ sơ thủ tục từ đầu, tốn thời gian thêm một năm và phải đi qua 5 Sở, quận, địa phương... - ông Hiệp dẫn chứng.

Các cơ chế chính sách của Nhà nước có tác động lớn đến sự phát triển của thị trường bất động sản, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Bởi vậy, các hiệp hội nghề nghiệp cũng như doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng sẽ sớm được tháo gỡ những vướng mắc để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục