Dịch COVID-19 hé lộ bất cập trong thu hút đầu tư của Indonesia

06:00' - 03/06/2020
BNEWS Trang mạng Diễn đàn Đông Á mới đây đăng tải bài viết chỉ ra những khó khăn cản trở các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Indonesia.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 8/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh Indonesia đang muốn thông qua một dự luật lao động mới gây nhiều tranh cãi, nếu mọi việc không thuận lợi, Indonesia sẽ bỏ lỡ cơ hội cải cách hành chính và thu hút đầu tư trong làn sóng chuyển dịch đầu tư sang khu vực Đông Nam Á.

Tháng 2/2020, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã đệ trình lên Quốc hội nước này xem xét thông qua dự thảo luật mang tên Omnibus. Đây là một dự luật mới nhằm cải thiện vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường Indonesia và điều chỉnh một số quy định liên quan đến vấn đề việc làm của người lao động hiện nay. 

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, dự luật Omnibus khó có thể giải quyết được triệt để các vướng mắc nổi cộm đã tồn tại rất lâu ở Indonesia.

Bên cạnh đó, dự luật này đang vấp phải sự phản đối bởi có ý kiến cho rằng dự luật tác động lớn đến quyền lợi của người lao động và thậm chí một số nhóm người còn bị đặt trong tình thế đứng trước nguy cơ mất cơ hội việc làm. 

Đáng chú ý, dự luật Omnibus được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào thời điểm đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát khiến mọi hoạt động bị tạm thời ngưng trệ. Chính phủ và Quốc hội Indonesia cũng đang dành những ưu tiên nhất định cho việc kiểm soát dịch bệnh tại quốc gia này.

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những khó khăn và thách thức vô cùng lớn đối với hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Dịch bệnh gây cản trở giao thương quốc tế, làm tê liệt và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo thương mại quốc tế sẽ giảm từ 13-32% và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhận định vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng sẽ bị sụt giảm khoảng 40% so với trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. 

Điều này đặc biệt khó khăn đối với một quốc gia như Indonesia đang vật lộn để thu hút vốn FDI, trong khi phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Trước đại dịch COVID-19, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tạo ra nhiều nguy cơ khiến các tập đoàn lớn trên thế giới cân nhắc việc di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh khỏi Trung Quốc. Động thái này sẽ giúp các doanh nghiệp tránh sức ép thuế ngày càng gia tăng do Mỹ và Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp thuế quan để trả đũa lẫn nhau. 

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, các công ty đa quốc gia (MNE) lại tiếp tục hứng chịu áp lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vì nhà cung cấp nguyên liệu chính là Trung Quốc gần như bị tê liệt và không có khả năng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất.

Các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Trung Quốc đang hối thúc hoặc khuyến khích các tập đoàn của họ về nước để tránh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 gây ra. Chính phủ Mỹ cũng đang cân nhắc khả năng "hấp thụ" tất cả các chi phí rủi ro, Hàn Quốc cung cấp hơn 3,6 tỷ USD các khoản vay, trong khi Nhật Bản phân bổ gói tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhiều công ty đa quốc gia muốn di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc đến các quốc gia tại Đông Nam Á, bởi các lợi thế về chi phí lao động sẵn có và đầu tư thấp hơn so với tại Trung Quốc. 

Đến nay, có nhiều động thái cho thấy đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy ý tưởng di chuyển địa điểm đầu tư của tập đoàn Apple và Google. Hai tập đoàn lớn này đang hướng tới các thị trường mới là Việt Nam và Thái Lan.

Hàng nghìn nhà sản xuất Nhật Bản đang đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm từ Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản phân bổ hơn 200 triệu USD cho việc đa dạng hóa sản xuất trên khắp khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh như vậy, các nền kinh tế Đông Nam Á có thể được hưởng lợi từ cuộc "di cư" khỏi thị trường Trung Quốc của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, mặc dù là nền kinh tế lớn nhất tại Đông Nam Á, song so với các quốc gia trong khu vực, thị trường Indonesia lại kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân chính là do những hạn chế đối với FDI cũng như cơ sở hạ tầng yếu và chi phí lao động cao hơn các thị trường khác. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, đối với Indonesia, tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng và nếu không có những nỗ lực nghiêm túc để khắc phục các hạn chế đối với việc thu hút FDI, Indonesia có nguy cơ tụt lại phía sau so với các quốc gia khác, nhất là khi cuộc khủng hoảng COVID-19 đi qua.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng bày tỏ quan ngại tương tự rằng vấn đề pháp lý phức tạp tại Indonesia đang là trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng lớn những quy định của các bộ, ban ngành và thậm chí là địa phương đang chồng chéo và mâu thuẫn với nhau, tạo ra một "ma trận" đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê, hiện tại ở Indonesia có gần 15.000 quy định cấp bộ liên quan đến vấn đề đầu tư nước ngoài, 95% trong số đó được ban hành từ năm 2010. Mỗi tỉnh, thành phố và đơn vị hành chính nhỏ hơn cũng có thể ban hành các quy định riêng liên quan đến việc quản lý đầu tư. 

Các chính sách dành riêng cho từng ngành, được ban hành bởi các bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Giáo dục, Nông nghiệp, Năng lượng và Khoáng sản, Xây dựng, Truyền thông và Công nghệ thông tin, Du lịch… Các nhà đầu tư nước ngoài sau đó cũng cần tiếp tục vượt qua hàng trăm cửa ải quy định của các địa phương.

Nếu những khó khăn này không được giải quyết triệt để, Indonesia sẽ gặp thách thức lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ của ông Jokowi đang kỳ vọng sẽ sử dụng luật Omnibus để thu hồi hoặc sửa đổi hơn 1.200 điều khoản trong văn bản 79 luật liên quan đến đầu tư. 

Dự luật này bao gồm rất nhiều quy định, từ tạo môi trường thu hút đầu tư đến cấp phép hoạt động tại các khu kinh tế… Những dự án sửa đổi này đang gửi tín hiệu tích cực đến cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, tại Indonesia người dân đang công khai phản đối dự luật Omnibus, đặc biệt là những người lao động và liên đoàn đoàn lao động tại Indonesia. Họ cho rằng dự luật Omnibus sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của phần lớn người lao động, thậm chí nhiều người trong số họ sẽ mất việc làm, do đó họ kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu thấu đáo trước khi thông qua dự luật này. 

Sự phản đối đang góp phần làm cho quá trình xem xét thông qua dự luật để khơi thông dòng chảy đầu tư nước ngoài vào Indonesia bị chậm lại và chưa biết bao giờ có thể giải quyết được.

Bản thân dự luật này cũng cho thấy nhiều mâu thuẫn. Thứ nhất, dự luật này sẽ cắt giảm mức độ điều tiết các hoạt động đầu tư ở tầm cao như cấp chính phủ, cấp bộ, ngành, trong khi Indonesia lại đang dư thừa các quy định rườm rà ở các địa phương và các cấp tương đương, nhưng dự luật lại không xem xét để giảm bớt những quy định này.

Thứ hai, trong hệ thống pháp luật của Indonesia, việc thay đổi một điều khoản trong luật sẽ không tự động làm mất hiệu lực các quy định đã và đang được thực hiện. Điều này sẽ tạo nguy cơ chồng chéo giữa các quy định cũ và mới. Như vậy các mâu thuẫn sẽ càng trở nên khó giải quyết. 

Thứ ba, dự luật đưa ra một mốc thời gian quá tham vọng. Hàng trăm điều chỉnh và sửa đổi phải được thực hiện trong một tháng kể từ khi dự luật được thông qua. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của các cải cách được đề xuất.

Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng, dự luật Omnibus vẫn không xóa bỏ các quy định gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư. Do những bất cập này, giới chuyên gia đề nghị Chính phủ Indonesia không nên coi dự luật là mục tiêu cuối cùng của cải cách, mà là động lực khởi đầu cần thiết để tạo bước tiến hướng đến việc mở cửa kinh tế hơn trong tương lai.

Trong khi cuộc khủng hoảng COVID-19 kết tinh nhu cầu cải cách quy định, Chính phủ Indonesia không nên đặt nặng vấn đề tốc độ cải cách so với chất lượng của cải cách. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là với áp lực phục hồi kinh tế nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục