Indonesia với làn sóng bùng nổ dân số hậu COVID-19

11:27' - 24/05/2020
BNEWS Indonesia đang đối mặt với làn sóng bùng nổ dân số trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cản trở người dân tiếp cận các biện pháp kiểm soát sinh sản.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong báo cáo mới đây, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Quốc gia (BKKBN) cho biết trong tháng 3 vừa qua, khoảng 10% trong tổng số 28 triệu người thuộc chương trình kế hoạch hóa gia đình đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận các biện pháp kiểm soát sinh sản. 

Với tổng dân số gần 270 triệu người, Indonesia hằng năm đón nhận khoảng 4,8 triệu trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, theo ước tính của BKKBN, việc giảm sử dụng các biện pháp tránh thai trong vòng một tháng có thể khiến tỷ lệ mang thai tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này tăng thêm 15% trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tháng, tương đương khoảng 420.000 thai nhi.

Nếu tình trạng trên kéo dài 3 tháng, tỷ lệ mang thai sẽ tăng thêm 30% trong các tháng tiếp đó, tương đương với 800.000 thai nhi.

Giám đốc BKKBN, ông Hasto Wardoyo cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến các dịch vụ kiểm soát sinh sản bị thu hẹp. Nhiều phòng khám đã buộc phải đóng cửa, trong khi số còn lại vẫn mở cửa song hạn chế số lượng người phục vụ.

Theo ông Hasto, việc thiếu các biện pháp kiểm soát sinh có thể kéo theo các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, gây tổn hại tâm lý cho các bà mẹ và các hậu quả lâu dài khác, như tình trạng chậm phát triển ở trẻ sơ sinh tại các gia đình nghèo.

Ông Hasto cũng cho rằng đại dịch là “thời điểm tồi tệ” để phụ nữ mang thai do nhiều người không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp. Do vậy, tốt nhất là các cặp vợ chồng nên sử dụng các biện pháp tránh thai.

Tiến sĩ Augustina Situmorang, chuyên gia nhân khẩu học tại Viện Khoa học Indonesia (Lipi), dự đoán số lượng các bà mẹ mang thai tại quốc gia này sẽ tăng vọt do mọi người bị hạn chế tiếp cận các biện pháp tránh thai.

Số người mang thai sẽ gia tăng đặc biệt ở các phụ nữ thuộc các gia đình có thu nhập thấp và phụ thuộc phần lớn vào các biện pháp tránh thai miễn phí do BKKBN cung cấp, cũng như ở những phụ nữ trẻ bị mất việc ở thành phố buộc phải về quê và bị ép kết hôn. 

Do vậy, bà Augustina cho rằng các cán bộ kế hoạch hóa gia đình cần thay đổi chiến lược ngay từ bây giờ, theo đó tiếp cận và cung cấp các dụng cụ tránh thai tại nhà, đồng thời hợp tác với các trung tâm y tế cộng đồng để nắm số liệu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục